Kịp thời loại bỏ nguy cơ gián đoạn nguồn cung cho xuất khẩu thủy sản

(BKTO) - Bên cạnh những điểm sáng tích cực, xuất khẩu thủy sản đang đứng trước nguy cơ không đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu, nếu không có sự vào cuộc tháo gỡ kịp thời của các cơ quan chức năng.

thuy-san.jpg
Các cơ quan chức năng cần kịp thời hành động, loại bỏ nguy cơ gián đoạn nguồn cung cho xuất khẩu hải sản. Ảnh ST

Nguy cơ không đảm bảo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tính chung trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,33 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hải sản đạt khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Cá ngừ vẫn là mặt hàng đứng đầu nhóm hàng hải sản với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn nửa tỷ USD và đang trên hành trình chinh phục lại mức kỷ lục 1 tỷ USD năm 2022. 

Điểm nhấn với ngành hàng này, đó là có thị trường tiêu thụ lớn, giá cao, sức tăng trưởng tốt. Đơn cử, trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang Hoa Kỳ và châu Âu (EU) đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt là 22% và 36%. Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường như Israel, Nga và Hàn Quốc cũng chứng kiến sự tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực này đang gặp phải rào cản, khi nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu cá ngừ nói riêng, thủy sản nói chung có nguy cơ thiếu hụt trong thời gian tới. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), hiện các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ không mua được nguyên liệu cá ngừ đúng theo quy định mới, một số doanh nghiệp cá ngừ đã dừng hoàn toàn việc thu mua nguyên liệu cá ngừ vằn khai thác trong nước của ngư dân do không đảm bảo kích cỡ 100% đạt 0,5 mét trở lên.

“Nguyên nhân của tình trạng này là do Nghị định 37/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 19/5/2024) quy định về kích cỡ chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối với cá ngừ vằn là 0,5m. Hầu hết các cảng cá hiện nay đã ngừng xác nhận nguyên liệu (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn quy định” - đại diện Vasep cho biết.

Theo tính toán của Vasep, nếu rào cản này không sớm được tháo gỡ, xuất khẩu cá ngừ sẽ khó duy trì được tăng trưởng trong thời gian tới và càng khó để ngành cá ngừ đạt mốc 1 tỷ USD như mục tiêu đề ra cho năm 2024. 

nhieu-tau-ca-o-khanh-hoa-nam-bo-vi-gia-dau-tang-5.jpg
Việc quản lý tàu cá cần đảm bảo để tránh gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu khi tiếp cận nguyên liệu. Ảnh ST

Cùng với đó là tình trạng nhiều tàu khai thác không làm giấy cam kết đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT) nên các doanh nghiệp có thu mua sản phẩm cũng đã không thể được cấp giấy S/C để làm điều kiện xuất khẩu được.

Do không đảm bảo nguồn nguyên liệu nên nhiều doanh nghiệp phải tăng nhập khẩu để bù đắp vào nguồn hàng thiếu hụt. Tuy nhiên, các quy định của thị trường EU và các quy định mới của Việt Nam về việc “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP đang khiến cho nút thắt này thêm siết chặt.

Bên cạnh đó, tình trạng giống, thức ăn cho thủy sản tăng cao; dịch bệnh trên thủy sản cũng là những thách thức rất lớn, đe dọa đến nguồn cung cho xuất khẩu thủy sản và được các doanh nghiệp nuôi trồng rất quan tâm.

“Trước yêu cầu ngày càng cao của đối tác, công ty phải chú trọng lựa chọn giống, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, nhưng rủi ro vẫn còn rất lớn” - ông Phan Chí Lũy (Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho biết.

Tập trung gỡ khó... 

Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu thủy cho chế biến, xuất khẩu tại Việt Nam dựa vào 3 nguồn chính: đánh bắt, nuôi biển và nhập khẩu. Tuy vậy, chủng loại nuôi vẫn chưa phong phú, phần lớn nguyên liệu  vẫn phụ thuộc vào đánh bắt. Trong khi đây là vấn đề còn nhiều phức tạp, với tình trạng số tàu đánh bắt trái phép còn lớn, buộc cơ quan quản lý phải tăng cường các biện pháp kiểm soát nguồn gốc thủy sản đánh bắt với việc triển khai hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc (eCDT) cho 100% tàu cá ra vào cảng từ ngày 01/07/2024.

Về vấn đề này, Vasep cũng đồng tình với việc tăng cường truy xuất nguồn gốc tàu cá, giảm thiểu tình trạng đánh bắt trái phép song cho rằng trong giai đoạn đầu khi phần mềm eCDT mới áp dụng, nên thành lập đội ngũ hỗ trợ tại các cảng cá để giải đáp thắc mắc và hỗ trợ chủ tàu khai thác trong quá trình sử dụng hệ thống và cập nhật thông tin. Các khâu thẩm tra tàu chống đánh bắt trái phép phải hoàn thành trước khi tàu vào cảng để đến khi doanh nghiệp xác nhận mua nguyên liệu trên phần mềm và chuyển sang xin cấp S/C thì được Ban quản lý cảng cá xác nhận luôn S/C. 

Liên quan đến vấn đề kiến nghị của Vasep, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) Trần Đình Luân cho biết, Nghị định 37/2024/NĐ-CP, cũng như Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT được ban hành giúp kiểm soát tốt hơn việc đánh bắt, bảo vệ tài nguyên, cũng như kiểm soát vấn đề an toàn của thủy sản. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của Vasep và các doanh nghiệp, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi tới các tỉnh có quản lý tàu thuyền để giải quyết theo kiến nghị của Vasep, nhưng cần phải có thời gian để tháo gỡ cho doanh nghiệp mà không trái với quy định.

dsc_5970.jpg
Đảm bảo nguyên liệu từ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu xuất khẩu năm 2024. Ảnh: N.Lộc

Về giải pháp đảm bảo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các tỉnh có biển, tổ chức nắm bắt, rà soát,  thống kê nguồn, lượng và khả năng sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản; kịp thời thông tin đến doanh nghiệp và người nuôi để có kế hoạch và giải pháp cụ thể, phù hợp trong tổ chức nuôi, chế biến, xuất khẩu.

“Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển nuôi trồng hải sản trên biển và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Duy trì diện tích nuôi sinh thái, hữu cơ, tôm lúa, tôm rừng, quảng canh cải tiến, kết hợp các biện pháp tăng năng suất, sản lượng nuôi ở những khu vực này” – đại diện Cục Thủy sản cho biết.

Đặc biệt, các địa phương tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo người nuôi; làm tốt về phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản.

Bộ NNPTNT cũng đề nghị các địa phương thực hiện tốt trong quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản; phát triển nuôi trồng thủy sản theo nguyên tắc hợp tác, liên kết để tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, các cơ sở nuôi trồng thủy sản cần chủ động trong việc nuôi trồng, áp dụng kỹ thuật tiên tiến ở tất cả các khâu trong quy trình nuôi để tăng tỷ lệ sống; tổ chức liên kết sản xuất để giảm khâu trung gian, đảm bảo vật tư đầu vào (giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản...) đến tay người nuôi nhanh nhất, gần nhất, chi phí thấp nhất. 

Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt  10 tỷ USD, tăng  5% so với 2023. Trong đó, ngành tôm đặt mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, các mặt hàng hải sản còn lại dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD... 

Cùng chuyên mục
Kịp thời loại bỏ nguy cơ gián đoạn nguồn cung cho xuất khẩu thủy sản