Kịp thời phát hiện, chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

(BKTO) - Năm 2023, Cục Thuế Đồng Nai đã tiếp nhận hơn 4,2 nghìn hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với số tiền đề nghị được hoàn trên 29 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 2,5 nghìn hồ sơ đã giải quyết hoàn thuế GTGT với trên 17 nghìn tỷ đồng.

dn-72-da-dung.jpg
Năm 2024, ngành thuế Đồng Nai dự toán thực hiện hoàn thuế trên 21,4 nghìn tỷ đồng. Ảnh: ST

Để kiểm soát và chống gian lận hoàn thuế GTGT, ngành thuế đã ứng dụng nhiều giải pháp trong quản lý hoàn thuế GTGT. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện một số hồ sơ hoàn thuế có dấu hiệu rủi ro cao và phối hợp cùng cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

Phân luồng rủi ro để kiểm soát hoàn thuế GTGT

Phân luồng rủi ro và nghiên cứu hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp (DN) là những giải pháp hiệu quả mà ngành thuế áp dụng để kiểm soát hoàn thuế GTGT, chống các hành vi gian lận thuế.

Ngành thuế đang áp dụng 3 mức phân luồng rủi ro đối với DN gồm: luồng đỏ (rủi ro cao) áp dụng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, có số thuế GTGT bị truy thu lớn hoặc có phát sinh số thuế truy hoàn, có đầu vào từ các DN được cảnh báo rủi ro, hoặc có nguyên liệu đầu vào từ phế liệu, nhân công lao động, suất ăn công nghiệp, đất, đá…; luồng vàng (rủi ro vừa) là những DN đã được phân vào luồng đỏ nhưng qua 1 năm không phát hiện có dấu hiệu vi phạm; luồng xanh (rủi ro thấp), gồm các DN có doanh thu hoặc số thuế nộp ngân sách nhà nước lớn, có trụ sở tại địa bàn, thuê đất lâu dài trong các khu công nghiệp, có lịch sử thực hiện tốt nghĩa vụ thuế…

Đối với việc nghiên cứu hồ sơ trong quản lý hoàn thuế GTGT, ngành thuế rà soát, nghiên cứu từng hồ sơ của DN để xác định các yếu tố rủi ro và tiến hành xác minh những hồ sơ có dấu hiệu vi phạm và tiến hành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Mọi công đoạn nghiên cứu hồ sơ đều được thực hiện chặt chẽ, chính xác và tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Qua áp dụng các giải pháp quản lý hoàn thuế GTGT, trong số hơn 4,2 nghìn hồ sơ đề nghị hoàn thuế, ngành thuế đã ghi nhận trên 3,6 nghìn hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau; gần 700 hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau và trên 1,6 nghìn hồ sơ thuộc diện không đủ điều kiện hoàn thuế. Nguyên nhân các DN không đủ điều kiện là do DN kê khai không đúng quy định hoặc xin rút, hủy hồ sơ.

Năm 2023, ngành thuế Đồng Nai đã hoàn tất hồ sơ và chuyển sang cơ quan điều tra 3 DN có dấu hiệu gian lận hoàn thuế GTGT hơn 700 tỷ đồng. Các công ty có dấu hiệu vi phạm gồm: Công ty TNHH MTV Thiết bị điện L.O Đồng Nai (TP.Biên Hòa), Công ty TNHH MTV T.P.G (H.Cẩm Mỹ) và Công ty TNHH M.V (TP.Biên Hòa). Các công ty trên có dấu hiệu vi phạm sử dụng hóa đơn đầu vào ở các lĩnh vực: thiết bị điện, nông sản, hạt nhựa, dây nhựa. Trong đó, Công ty TNHH MTV L.O có dấu hiệu gian lận tiền hoàn thuế GTGT lớn nhất với 589 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV T.P.G 90 tỷ đồng và Công ty M.V 30 tỷ đồng.

Tăng cường quản lý hoàn thuế GTGT đối với các lĩnh vực rủi ro cao về thuế

Năm 2024, ngành thuế Đồng Nai dự toán thực hiện hoàn thuế trên 21,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngành sẽ rà soát, kiểm tra hóa đơn điện tử để ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn; đồng thời, tổ chức kiểm tra sau hoàn thuế kết hợp với thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm của người nộp thuế.

Cục Thuế Đồng Nai cho biết, công tác hoàn thuế GTGT cho DN luôn là vấn đề được quan tâm, triển khai. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc hoàn thuế góp phần giúp DN tái tạo nguồn vốn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh việc bảo đảm thông tin, hỗ trợ DN cập nhật những chính sách thuế mới, Cục Thuế Đồng Nai còn tăng cường tuyên truyền đến người nộp thuế việc thực hiện nghiêm chính sách thuế, trong đó có các hình thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế.

Cùng với công tác tuyên truyền các chính sách thuế, Cục Thuế Đồng Nai còn thành lập các nhóm hỗ trợ thuế trên các kênh Zalo, Telegram, website… nhằm hướng dẫn, tư vấn chính sách, thủ tục cho người nộp thuế.

Để phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác hoàn thuế năm 2023, trong năm 2024, ngành thuế sẽ tăng cường các giải pháp trong quản lý hoàn thuế GTGT, tập trung vào các lĩnh vực rủi ro cao về thuế như: kinh doanh qua mạng, thương mại điện tử, các DN có giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, DN kinh doanh lỗ nhiều năm liên tục có dấu hiệu chuyển giá... nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp DN lợi dụng chính sách thuế để trục lợi tiền hoàn thuế, gây thất thu NSNN.

Bên cạnh đó, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao, hoàn thiện hệ thống dữ liệu BigData vào công tác quản lý thuế nói chung và công tác hoàn thuế GTGT nói riêng./.

Cùng chuyên mục
Kịp thời phát hiện, chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng