KTNN đã “vẽ” nên bức tranh trung thực về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản

(BKTO) - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội



Qua theo dõi hoạt động của KTNN, tôi nhận thấy công tác kiểm toán của KTNN đã được tiến hành trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ hoạt động kiểm toán đã “vẽ” nên bức tranh khá trung thực về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước.

         

   Đại biểu Quốc hội
   Lưu Bình Nhưỡng
Các kết quả kiểm toán của KTNN là trung thực, khách quan, do đó được coi là cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách ở các Bộ, ngành, địa phương. Qua đó, góp phần giúp Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có thông tin để đánh giá đúng thực trạng về những vấn đề trên, cân nhắc để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tôi đánh giá rất cao kết quả của KTNN năm 2017.

Theo chương trình đề ra, năm 2018 KTNN sẽ tiến hành thực hiện trên 200 cuộc kiểm toán. Là một đại biểu Quốc hội, tôi đặt nhiều tin tưởng vào KTNN. Theo Hiến pháp năm 2013, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm toán và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì thế, tôi cho rằng KTNN phải xứng đáng là chỗ dựa của Quốc hội, được ví là “thanh tra”, “kiểm soát” của cơ quan quyền lực của Nhà nước trên lĩnh vực ngân sách, tài chính, tài sản công.

Trong thời gian qua, việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công còn nhiều sơ hở, kém hiệu quả, nhiều dự án nghìn tỷ bị thua lỗ, kế hoạch đầu tư lớn bị phá sản, việc cổ phần hóa DNNN bị thao túng dẫn đến thất thoát tiền vốn, tài sản của Nhà nước; công tác quản lý biên chế, bổ nhiệm cán bộ nhiều sai sót, gây hậu quả xấu, tốn kém tiền trả lương; nhiều tài sản nhà nước bị tham ô, thất thoát…

Vì thế, năm 2018 KTNN cần thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ theo chức năng, đồng thời tập trung tổ chức thực hiện kiểm toán ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm pháp luật như: đánh giá việc xác định giá trị đất đai, tài sản đối với các DNNN được cổ phần hóa; việc quản lý, đầu tư vốn nhà nước; việc thực hiện chính sách về quản lý, sử dụng đất đai; việc quản lý, sử dụng tài chính thực hiện các chương trình mục tiêu của Chính phủ, các dự án trọng điểm quốc gia; các dự án hợp tác công tư (PPP) và việc hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư sử dụng vốn ngân sách; kiểm toán các đơn vị sự nghiệp công lập tạo cơ sở đánh giá thực lực, thực trạng các đơn vị này trước khi chuyển sang cơ chế tự chủ, tránh tình trạng xảy ra thất thoát tài sản…

ĐĂNG KHOA (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số Xuân Mậu Tuất năm 2018
Cùng chuyên mục
KTNN đã “vẽ” nên bức tranh trung thực về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản