Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra

(BKTO) - Chiều21/6, tại Nhà Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì Họp báocông bố kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.



Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh:Đ. KHOA
Tại buổi họp báo, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, sau một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao…

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp. Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Công tác xây dựng pháp luật được xác định là một nội dung trọng tâm của Kỳ họp thứ 3 với nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa Cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng, các quy định mới của Hiến pháp, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, thông qua 12 dự thảo luật, 12 nghị quyết; xem xét, cho ý kiến đối với 6 dự án luật. Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật về tư pháp, quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cùng nhiều nội dung khác.

Quốc hội cũng đã xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và NSNN; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan của Quốc hội; các báo cáo về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016”. Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở cân nhắc thận trọng, bám sát thực tiễn, phân tích kỹ những vấn đề bức xúc, nổi cộm của đời sống xã hội đang được cử tri đặc biệt quan tâm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, đồng thời thành lập Đoàn giám sát để triển khai thực hiện. Trong đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2016” tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, tại Kỳ họp thứ 3, đã có 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 114 phiếu chất vấn với 127 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Với thời gian 3 ngày, đã có hơn 196 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 58 lượt đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bức xúc của đời sống; đặc biệt, tích cực tranh luận với các thành viên Chính phủ và các vị đại biểu khác để làm rõ thêm những hạn chế, yếu kém, xác định trách nhiệm và có giải pháp khắc phục. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ tổ chức thực hiện, Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân.

Trao đổi với phóng viên tại buổi họp báo về những thay đổi tích cực trong hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các phiên thảo luận tại nghị trường đã chuyển từ “Quốc hội phát biểu tham luận” sang "Quốc hội tranh luận” với không khí hết sức dân chủ, đổi mới. Các đại biểu Quốc hội đã tích cực tranh luận, không chỉ tranh luận giữa đại biểu với thành viên Chính phủ mà còn tranh luận giữa đại biểu với đại biểu nhằm làm rõ vấn đề để cử tri hiểu và các đại biểu cũng hiểu lẫn nhau.

Một điểm mới nữa là tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ toạ đã quyết định kéo dài chương trình thảo luận thêm 1,5 giờ. Việc kéo dài thời gian tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội phát biểu nhiều hơn. “Chưa bao giờ có phiên họp nào có tới 93 đại biểu đăng ký phát biểu. Quốc hội cũng quyết định kéo dài phiên chất vấn thêm nửa ngày, từ 2,5 ngày lên 3 ngày chất vấn để dành thêm nhiều thời gian cho cả người hỏi lẫn người trả lời để làm rõ vấn đề” - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra