Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Dấu ấn từ những tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm…

(BKTO) - Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã khép lại sau hơn 20 ngày làm việc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Có thể thấy, Kỳ họp đã để lại nhiều dấu ấn, cảm xúc trong lòng đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân về hình ảnh một Quốc hội không ngừng đổi mới, tinh thần tranh luận thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm trong quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.



Kỳ họp của những đổi mới

Không chỉ là Kỳ họp có thời gian làm việc ngắn nhất so với các kỳ họp Quốc hội gần đây, trong suốt những ngày diễn ra Kỳ họp thứ 5, cử tri đặc biệt ấn tượng với tinh thần dân chủ, tranh luận sôi nổi tại nghị trường. Đó là những ý kiến thể hiện rõ trí tuệ và tâm huyết, những tranh luận, phản biện sắc sảo, mang hơi thở và sức nóng từ thực tiễn của nhiều đại biểu Quốc hội.

Các dự án luật được xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp không chỉ dừng lại ở những ý kiến góp ý của từng đại biểu mà đã có sự tranh luận, tương tác giữa các đại biểu về các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo luật, nhằm đảo bảo tính khả thi và nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, các dự án luật đã được đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng - Ảnh: TTXVN

Tinh thần tranh luận còn được thể hiện đậm nét trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp. Việc đổi mới, áp dụng hình thức chất vấn - trả lời ngay đã rút ngắn được thời gian trong hỏi và trả lời, tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, đồng thời, phát huy được năng lực của đại biểu, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời. Việc đổi mới hình thức chất vấn cũng giúp cho đại biểu phát huy quyền tranh luận, tranh luận lại, làm cho không khí phiên chất vấn trở nên sôi động. Không ít đại biểu đã liên tục dùng quyền tranh luận, tranh luận lại nhằm đi đến cùng vấn đề đặt ra, phản ánh một cách đầy đủ tâm tư nguyện vọng của cử tri tới diễn đàn Quốc hội, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn.

Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, qua 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, đã có trên 260 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, trên 400 lượt chất vấn và tham gia tranh luận. Đây là một con số kỷ lục về số lượng câu hỏi và trả lời, cho thấy hiệu quả của việc đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này.

Thông qua nhiều quyết sách về quản lý và sử dụngngân sách

Trước những lo lắng, bức xúc của cử tri và đại biểu Quốc hội về những vấn đề hạn chế, yếu kém, đặc biệt là trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, các nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp đã giao Chính phủ chỉ đạo, có giải pháp xử lý quyết liệt, dứt điểm những sai phạm, yếu kém này; đồng thời ấn định rõ thời hạn thực hiện và báo cáo kết quả trước Quốc hội.

Phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục những hạn chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN, tăng cường quản lý vốn đầu tư, nợ công và bội chi ngân sách, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia.

Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN và báo cáo cụ thể với Quốc hội về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN năm 2016 khi trình Báo cáo quyết toán NSNN năm 2017.

Trên cơ sở kết quả giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011- 2016”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN. Nghị quyết yêu cầu, Chính phủ khẩn trương tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN, trong đó, chậm nhất là tháng 5/2019 phải ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với DNNN theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của DN.

Đến năm 2020 xử lý dứt điểm các DN vi phạm pháp luật, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của DNNN, DN cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019); đánh giá việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại DN và hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, báo cáo Quốc hội việc quản lý, sử dụng Quỹ tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 hằng năm.

Đặc biệt, tại Nghị quyết này, cùng với yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm toán để tránh thất thoát vốn, tài sản nhà nước tại các DN, Quốc hội đã giao nhiệm vụ riêng cho KTNN thực hiện kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN và việc sử dụng nguồn thu từ đất của các DNNN đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017, báo cáo Quốc hội kết quả tại Kỳ họp thứ 7.

Những quyết sách của Quốc hội đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành và KTNN phải không ngừng nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, sử dụng nguồn lực đất nước ngày càng minh bạch, hiệu quả.

N. HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 21-6-2018
Cùng chuyên mục
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Dấu ấn từ những tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm…