Kỳ họp thứ 6: Tạo động lực hoàn thành cao nhất các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

(BKTO) - Diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều quyết sách quan trọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

be-mac.jpg
Quang cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH

Tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc

Là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã dành nhiều thời gian đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đưa ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp căn cơ như: cải cách thể chế; phân cấp, phân quyền; tháo gỡ những khó khăn trong huy động nguồn lực…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Quốc hội đặt ra yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…

Với tinh thần đó, các quyết sách tại Kỳ họp đều hướng đến giải quyết, tháo gỡ những những vấn đề nóng bỏng, được nhân dân và cử tri quan tâm, cần được giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt những nút thắt, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách…

Từ thành công và kết quả tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII và của Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV cùng nhiều kết quả quan trọng đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, nỗ lực và tâm huyết của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, hoàn thành cao nhất các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Trong đó, Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế Thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được Quốc hội ban hành nhằm cụ thể hóa kịp thời các quy định về việc áp dụng thuế Tối thiểu toàn cầu được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất.

“Việc áp dụng các quy định về thuế Tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của OECD có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Với Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, Quốc hội đã tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ. Nghị quyết này sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tháo gỡ nút thắt, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy giải ngân nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ. Việc thực hiện thí điểm một số chính sách này cũng tạo cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan.

Một trong những điểm nhấn nổi bật của Kỳ họp này là Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) đánh giá, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với 3 CTMTQG. Qua thảo luận, các đại biểu đã “mổ xẻ”, phân tích kịp thời những khó khăn, vướng mắc, từ đó, đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy nhanh việc thực hiện các Chương trình.

Tại Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia”, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG. Đồng thời, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền, nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giảm thủ tục hành chính, đầu tư và sử dụng các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các CTMTQG...

Thận trọng, kỹ lưỡng trong công tác lập pháp

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua 07 luật, 09 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật và cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác.

bq-ky-hop.jpg
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, với kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 83,2%.

Đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tại Kỳ họp, Quốc hội Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng. Do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 02 dự án luật này, trên cơ sở cân nhắc thận trọng nhiều mặt, Quốc hội quyết định sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các dự án luật.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, việc lùi thời gian thông qua 2 dự án luật trên thể hiện tinh thần cẩn trọng, trách nhiệm của Quốc hội. Bởi trong quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thời gian để xem xét kỹ lưỡng, nhất là đánh giá kỹ tác động chính sách, bảo đảm các luật khi được ban hành phải đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, bền vững, không xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác. Do đó, cần có thêm thời gian để tiếp tục hoàn thiện các dự luật này.

“Dự kiến Quốc hội sẽ tổ chức một kỳ họp vào tháng 01/2024 để xem xét, thông qua 2 dự luật này cùng với một số nội dung khác theo đề nghị của Chính phủ” - ông Cường thông tin.

Bên cạnh đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án được giao theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời, cần kịp thời triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, ban hành đồng bộ, đúng thời hạn văn bản quy định chi tiết thi hành luật...

Cùng chuyên mục
Kỳ họp thứ 6: Tạo động lực hoàn thành cao nhất các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội