Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Quốc hội

(BKTO) - Sáng 29/11, tại Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, với 95,95% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

bq29.jpg
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: VPQH

ng cường kiểm toán việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, việc triển khai một số nghị quyết còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong từng lĩnh vực.

Đối với lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Quốc hội yêu cầu Kiểm toán nhà nước tăng cường công tác kiểm toán việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán nhà nước và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Thực hiện hiệu quả, thực chất phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém

Đối lĩnh vực tài chính, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước (NSNN); tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là công tác đấu thầu mua sắm tài sản công; sớm ban hành hoặc đề xuất ban hành các chính sách và giải quyết dứt điểm các tài sản công dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và trong công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp, bảo đảm các nguyên tắc cổ phần hóa các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, không để thất thoát, lãng phí, tham nhũng vốn, tài sản nhà nước; khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc cổ phần hóa các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); khẩn trương đánh giá và có phương án giải quyết trường hợp doanh nghiệp quá hạn, mất khả năng thanh toán trái phiếu đã phát hành.

Quốc hội cũng yêu cầu, kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ… trong giới hạn cho phép, tiếp tục cải thiện tín nhiệm quốc gia; quan tâm phát triển mạnh hơn nữa các loại thị trường, nhất là thị trường vốn.

Đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất nhận thức, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập, không để kéo dài ách tắc trong việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên có tính chất đầu tư; thực hiện nghiêm Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện mục tiêu mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế; đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử trong việc thu thuế, phí, lệ phí nhằm chống thất thu NSNN và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Liên quan đên lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu hoàn thiện pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; nhất là cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.

Bên cạnh đó, có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín dụng, tình trạng doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng; triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và thực chất phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Đồng thời, tích cực triển khai phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, bảo đảm yêu cầu tăng trưởng tín dụng, giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực ngân hàng; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng; đẩy mạnh thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và có giải pháp phù hợp sử dụng hiệu quả gói cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội cho vay đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ…

Cùng chuyên mục
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Quốc hội