Thưa ông, sau rất nhiều nỗ lực đàm phán, cuối cùng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã chính thức được ký kết tại Chile bởi 11 quốc gia thành viên. Là người nghiên cứu chính sách vĩ mô, ông bình luận gì về sự kiện này?
Có lẽ, đây là hiệp định mà Việt Nam đã trông chờ rất lâu bởi quá trình chuẩn bị tham gia đàm phán với các đối tác được khởi động và tiến hành trong thời gian khá dài. Ngay từ quá trình kết thúc đàm phán TPP, chúng ta đã thảo luận và kỳ vọng rất nhiều về những cơ hội cũng như chuẩn bị để ứng phó với các thách thức. Thế nhưng, do Mỹ rút khỏi hiệp định, chúng ta phải trao đổi và đàm phán với các đối tác còn lại. Hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam tham gia hàng loạt FTA thế hệ mới, đặc biệt sau nghị quyết trung ương về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, thì CPTPP là chất xúc tác để nước ta có động lực và lựa chọn lớn hơn trong việc thực hiện định hướng đề ra.
Ở bình diện rộng hơn, CPTPP là tín hiệu tương đối tốt trong bối cảnh các nền kinh tế lớn có nhiều động thái cọ xát, thậm chí cạnh tranh với nhau về các vấn đề phòng vệ, trả đũa thương mại. Điều đó cho thấy, sức sống của hội nhập kinh tế quốc tế là rất quan trọng, khác hẳn câu chuyện trước đây, khi mà những hiệp định lớn thường do các đối tác lớn chi phối. Bây giờ, ngay cả khi không có Mỹ thì Việt Nam và các đối tác vẫn có động lực để hợp tác chung. Điều này càng minh chứng rằng, hội nhập và tự do hóa thương mại là xu thế tất yếu. Nó diễn ra có thể nhanh, có thể chậm nhưng tất cả các nền kinh tế đều khó phủ nhận vai trò của hội nhập. Vì vậy, CPTPP là tín hiệu sáng trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu đang bị phủ bóng bởi những động thái có tính chất bảo hộ thương mại. Hơn thế, CPTPP tạo thêm niềm tin cho các nền kinh tế khác trong việc tiếp tục thúc đẩy và tham gia các trào lưu hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo ông, các nước nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ được hưởng lợi những gì từ sân chơi này?
Tôi lưu ý, kể cả với Việt Nam hay với các đối tác, CPTPP không phải là hiệp định mới, cũng không phải hiệp định duy nhất. Chính vì vậy, nhìn từ bản thân hiệp định, lợi ích trực tiếp mà CPTPP mang lại là tạo thêm cơ hội cho xuất khẩu, đầu tư, đặc biệt trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Xét một cách tổng thể, hiệp định này hướng tới tiêu chuẩn rất cao về chất lượng hàng hóa, chất lượng thể chế, cách thức điều hành chính sách thương mại và các chính sách hợp tác nâng cao năng lực khác. Điều này tạo động lực cho chính phủ và cộng đồng DN của các nền kinh tế thành viên cải thiện để nâng cao chất lượng.
Trong dài hạn, CPTPP có thể mang lại nhiều lợi ích gián tiếp. Những sức ép thúc đẩy luật chơi về cải cách thể chế như: chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, quản lý DNNN… thì khó có thể đem lại lợi ích trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, Hiệp định này tạo nên những biến chuyển về chất trong cách thức điều hành nền kinh tế. Đây cũng là tinh thần chúng ta muốn khẳng định: là nước đi sau nhưng trong quá trình học hỏi, Việt Nam muốn áp dụng những tiêu chuẩn chơi tốt nhất.
Nhìn rộng hơn, CPTPP có thể thu hút thêm các thành viên mới. Với tư cách thành viên sáng lập, Việt Nam có thể có quyền đàm phán với các thành viên mới để bảo vệ lợi ích của mình. Là một nước nhỏ, lại là nước đi sau trong cuộc chơi thương mại toàn cầu, với CPTPP, Việt Nam học hỏi và bắt đầu góp phần vào luật chơi mới của thương mại quốc tế. Đó là những giá trị rất to lớn khó có thể đong đếm được.
Không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thực ra, hưởng lợi nhiều nhất cần được hiểu theo nghĩa: vì quy mô của nền kinh tế còn tương đối nhỏ cho nên tỷ lệ % mà Việt Nam thu được có thể tương đối lớn so với quy mô. Thế nhưng, nếu lợi ích được tính theo giá trị trực tiếp, tức là quy ra đơn vị tỷ đô la Mỹ thì có lẽ Việt Nam sẽ khó đạt được nhiều lợi ích như các nền kinh tế lớn khác, chẳng hạn Nhật Bản. Bởi vậy, tôi cho rằng:
Thứ nhất, nên có cách nhìn thận trọng hơn khi nói hay đưa lên truyền thông về lợi ích, bởi đó là lợi ích so với quy mô của nền kinh tế hiện nay. Việt Nam cần phấn đấu quy mô nền kinh tế lớn hơn để người dân được hưởng lợi nhiều hơn.
Thứ hai, mặc dù lợi ích mà Việt Nam có được tương đối nhiều nhưng nó vẫn chỉ ở mức tiềm năng. Lợi ích ấy không tự đến nếu cơ quan quản lý, DN và người dân không hiểu cuộc chơi, không nỗ lực thực chất để có thể tận dụng cơ hội và xử lý những thách thức từ Hiệp định này.
Trong ngắn hạn và dài hạn, nếu Việt Nam không nhanh chóng chuyển từ những mặt hàng không có lợi thế sang những mặt hàng có lợi thế, chậm chuyển đổi cơ cấu DN, không nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế, thì các lợi ích đó khó có thể đạt được.
Thứ ba, cần lưu ý, rất nhiều các đánh giá, nghiên cứu dù có phức tạp, cơ sở dữ liệu dù có cập nhật thì cũng khó có thể đánh giá được hết tác động của cải cách thể chế sau các FTA. Bài học từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, rất nhiều các nghiên cứu trước đó đều đánh giá chưa đầy đủ lợi ích từ việc gia nhập WTO bởi những tác động từ dòng vốn đầu tư, cải cách thể chế… thì không một mô hình, dữ liệu nào có thể tính chính xác, đầy đủ.
Gần đây, Mỹ đã bỏ ngỏ khả năng có thể quay lại tham gia CPTPP. Theo ông, nguyên nhân nào khiến chính quyền của Tổng thống Donald Trump thay đổi như vậy?
Có thể nói, động thái này của Mỹ tái khẳng định quan điểm trước đây: lợi ích từ hội nhập và mở cửa là điều khó có thể phủ nhận. Không chỉ một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam mà bản thân một nền kinh tế lớn như Mỹ cũng thấy rằng, CPTPP là một cuộc chơi có thể có lợi. Câu chuyện với Mỹ là làm thế nào để đạt được nhiều hơn các lợi ích chứ không phải phủ nhận hoàn toàn lợi ích của CPTPP.
Tôi nghĩ rằng, các thành viên CPTPP vẫn luôn trân trọng và mong muốn Mỹ quay lại. Các quốc gia đã cùng Mỹ đàm phán một thời gian rất dài, thậm chí rất gay gắt trước khi đi đến CPTPP. Bây giờ, một số nội dung trong Hiệp định chỉ tạm hoãn để nếu Mỹ quay lại thì những điều khoản này có thể vẫn được chấp nhận. Hiện tại, Mỹ là thành viên mới, các thành viên CPTPP vẫn luôn mở với Mỹ cũng như bất kỳ thành viên mới nào quan tâm, hợp tác và chấp nhận cuộc chơi này. Bởi vậy, nếu Mỹ đạt được thỏa thuận và quay lại CPTPP thì điều đó chỉ có lợi cho các nước thành viên, đồng thời mở ra rất nhiều cơ hội cho các thành viên khác tham gia Hiệp định này.
Thưa ông, giả sử trong tương lai, Mỹ quay lại CPTPP nhưng đồng thời cũng muốn đàm phán lại những điều khoản mà họ đã từng đồng ý trước đây thì câu chuyện lúc đó sẽ thế nào?
Tôi cho rằng, về mặt kỹ thuật, đó là câu chuyện mất thêm thời gian đàm phán. Tuy nhiên, có nhiều đánh giá cho rằng, khả năng Mỹ thực sự quay trở lại bàn đàm phán CPTPP là khó xảy ra trong vài năm tới. Nếu các thành viên CPTPP quyết tâm phê chuẩn thì Hiệp định này sẽ có hiệu lực chính thức trước khi Mỹ quay trở lại. Lúc đấy, khả năng để thay đổi các thỏa thuận trong hiệp định sẽ khó hơn nhiều.
Bởi vậy theo tôi, đây chỉ là câu chuyện đồng thuận giữa các thành viên trong việc đẩy nhanh các bước phê chuẩn Hiệp định. Còn nếu vì một lý do nào đó mà các thành viên CPTPP chưa kịp chuẩn bị, thì có thể phần nào sẽ phức tạp hơn. Bản thân tôi thì cho rằng, khả năng CPTPP đi vào thực hiện trước khi Mỹ quay trở lại bàn đàm phán là tương đối khả dĩ. Chính vì vậy, tính phức tạp khi Mỹ tham gia đàm phán một hiệp định đã có, đã thực hiện sẽ không nhiều như khi đàm phán một hiệp định đang hình thành.
Thực tế, một CPTPP chưa có Mỹ nhưng lại đang rất hấp dẫn các thành viên mới như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Anh hay Philippine. Ông đánh giá như thế nào về khả năng gia nhập của các quốc gia này?
Tôi nghĩ, bất cứ một nền kinh tế nào coi trọng xuất nhập khẩu và đầu tư cũng đều xem CPTPP là cuộc chơi rất hấp dẫn. Nó hấp dẫn vì luật chơi thông thoáng nhưng cũng bảo hộ quyền lợi cho các thành viên với cơ chế xử lý tranh chấp minh bạch, rõ ràng. Nguyên tắc này đáp ứng điều kiện của rất nhiều nền kinh tế nhỏ. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các nền kinh tế nhỏ chưa thực sự cảm thấy được đối xử bình đẳng trong vấn đề xử lý tranh chấp thương mại với các đối tác lớn, thì CPTPP là một cuộc chơi tương đối công bằng. Điều này sẽ hấp dẫn các thành viên mới.
Về mặt kỹ thuật, ở một chừng mực nào đó, việc Mỹ chưa quay lại CPTPP cũng là một điều kiện dễ hơn để các thành viên khác tham gia. Bởi, nếu có Mỹ thì yêu cầu đàm phán tương đối nhiều. Vì vậy, nếu các thành viên mới kỳ vọng Mỹ quay lại CPTPP thì có lẽ họ cũng sẽ cố gắng gia nhập hiệp định này trước Mỹ.
Trở lại với vấn đề của riêng Việt Nam, theo ông, cộng đồng DN nước ta nên có sự chuẩn bị như thế nào để có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội mà CPTPP cũng như các FTA khác mang lại?
Việt Nam không chỉ có CPTPP mà còn có một loạt các hiệp định khác như ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Nhật Bản… Sắp tới, có thể là hiệp định thương mại tự do với EU. Mỗi cuộc chơi có những yêu cầu với mức độ khắt khe riêng, có thể dễ, có thể khó. Bản thân DN được hưởng lợi rất nhiều vì cơ hội tương đối đa dạng. Bởi vậy, DN có thể thực hiện các bước chuẩn bị thông qua những cơ hội từ các hiệp định khác. Sự chuẩn bị ấy phải theo một lộ trình. Trong các cuộc chơi đó, DN giữ vai trò trung tâm. Nhà nước không thể làm thay DN mà chỉ cung cấp thông tin và hỗ trợ về chính sách.
Trước hết, DN cần cố gắng và trực tiếp tìm hiểu những vấn đề liên quan đến ngành hàng và hoạt động của mình. Thực tế cho thấy, mặc dù mất một thời gian dài CPTPP mới được ký kết, nhưng DN vẫn chưa có sự chuẩn bị đầy đủ. Cũng may mắn là lúc này CPTPP chưa đi vào giai đoạn thực hiện. Thời gian tới, khi CPTPP được phê chuẩn, cộng đồng DN phải có sự chuẩn bị thực chất, mạnh mẽ và liên kết hơn. Trong điều kiện của mình, không phải DN nào cũng đủ khả năng và nguồn lực để nghiên cứu đầy đủ các khía cạnh pháp lý cũng như kinh tế từ Hiệp định này. Bởi vậy, phải có sự liên kết để trao đổi thông tin giữa cộng đồng DN, giữa DN và các bộ phận trợ giúp pháp lý, giữa DN với cơ quan đàm phán của Chính phủ để hiểu rõ về Hiệp định.
Thứ hai, DN phải nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh. Về vấn đề này, các DN mới chỉ chú ý đến giá cả và chất lượng mà chưa quan tâm đầy đủ đến những yếu tố khác: một là, sản xuất các đơn hàng quy mô lớn; hai là, giao hàng đúng hẹn; ba là, tạo lập kênh phân phối và đối tác phân phối phù hợp để hàng hóa có thể đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất và rẻ nhất. Đó chính là những yếu tố hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN. Muốn đáp ứng tốt các khả năng cạnh tranh này, từng DN phải thật sự nỗ lực trong việc xây dựng năng lực quản trị cũng như chiến lược kinh doanh của họ.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
XUÂN HỒNG (thực hiện)
Theo Đặc san Kiểm toán số 69 ra tháng 3/2018