Kỷ niệm 25 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước: Ấn tượng đẹp trên một hành trình

(BKTO) - Tổng hợp kết quả kiểm toán 25 năm qua, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 413.145 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 92.716 tỷ đồng, giảm chi NSNN 93.730 tỷ đồng. Đây là những con số ấn tượng được Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đưa ra tại buổi Tọa đàm nhân kỷ niệm 25 năm thành lập (11/7/1994 - 11/7/2019), diễn ra vào ngày 09/7, tại Hà Nội.



25 năm - ấn tượngmột chặng đường

Sau 25 năm kể từ ngày thành lập, KTNN đã trải qua một chặng đường đầy khó khăn, thách thức, song kết quả và thành tựu đạt được là hết sức toàn diện và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của KTNN trong giai đoạn tiếp theo. Tất cả các mặt hoạt động của KTNN đều mang lại những thành quả đáng ghi nhận.

Quy mô hoạt động kiểm toán đều tăng dần một cách hợp lý qua từng năm, tăng quy mô nhưng không vượt quá số lượng, năng lực của đội ngũ kiểm toán viên hiện có. Trong 10 năm trở lại đây, ngoài việc kiểm toán hằng năm quyết toán NSNN theo quy định của Luật KTNN, hầu hết các Bộ, cơ quan T.Ư, các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các tập đoàn kinh tế nhà nước đều được kiểm toán ít nhất 2 năm một lần, trong đó một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có quy mô ngân sách lớn được kiểm toán hằng năm, NSNN đã đảm bảo được kiểm toán trên 50% tổng thu - chi hằng năm.


Về loại hình kiểm toán, những năm qua KTNN đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh kiểm toán hoạt động và các lĩnh vực kiểm toán mới như: kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT), kiểm toán môi trường, tài nguyên, khoáng sản, BOT, BT. Hầu hết các cuộc kiểm toán hiện nay đều kết hợp, lồng ghép thực hiện 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ).

KTNN đã thành lập Phòng Kiểm toán môi trường, Phòng Kiểm toán CNTT và các phòng kiểm toán hoạt động tại các đơn vị để tổ chức nghiên cứu, triển khai thí điểm, xây dựng quy trình và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về các lĩnh vực kiểm toán đặc thù; đi sâu kiểm toán một số chuyên đề có quy mô và phạm vi rộng nhằm nâng cao giá trị, lợi ích của hoạt động kiểm toán, đánh giá toàn diện công tác quản lý tài chính, tài sản công đối với chủ đề kiểm toán được lựa chọn.

Việc công khai kết quả kiểm toán hằng năm đã được KTNN thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. KTNN đã tổ chức họp báo theo định kỳ để công bố kết quả kiểm toán. Báo cáo kiểm toán khi phát hành đều gửi đến đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan như Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính...; Báo cáo kiểm toán năm, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN được gửi đến từng đại biểu Quốc hội. Đối với những vấn đề quan trọng, KTNN đều thông báo trực tiếp bằng văn bản đến người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Thời gian phát hành các báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương ngày càng được đẩy nhanh nhằm kịp thời phục vụ việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.

Tổng hợp kết quả kiểm toán 25 năm qua, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 413.145 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 92.716 tỷ đồng, giảm chi NSNN 93.730 tỷ đồng. Tính riêng 5 năm gần đây (2014-2018), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 265.565 tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong 25 năm. Cùng với các kiến nghị xử lý tài chính, KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp với thực tế. Chỉ từ năm 2011 đến nay, KTNN đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 899 văn bản...

25 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, các kết quả kiểm toán đã góp phần tích cực vào công tác phòng ngừa tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trung bình mỗi năm, KTNN đã phát hiện và có trên 200 kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm phát hiện qua kiểm toán; cung cấp hàng trăm báo cáo, hồ sơ cho các cơ quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của Luật KTNN và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Và những mục tiêu tiếp theo của cuộc hành trình

Bên cạnh những kết quả, hoạt động của KTNN vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm, sự chồng chéo trong hoạt động của KTNN và thanh tra...
Để đảm bảo thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của Ngành trên những chặng đường tiếp theo, KTNN đã xác định rõ các mục tiêu phát triển, thể hiện qua một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho tổ chức và hoạt động của KTNN, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 để làm rõ hơn đối tượng được kiểm toán nhằm bao quát hết các đối tượng, phạm vi kiểm toán của KTNN theo quy định của Hiến pháp “Ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó có sự kiểm tra của KTNN”.

Hai là, phát triển bộ máy và nguồn nhân lực của KTNN theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Cụ thể như: cơ cấu lại các đơn vị, cấp phòng để đảm bảo thực hiện đúng, đủ chức năng nhiệm vụ, giảm thiểu cấp trung gian, nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực đủ đức, đủ tài, có bản lĩnh, liêm chính, chuyên nghiệp, với phương châm: “công minh - chính trực - nghệ tinh - tâm sáng”, đề cao tính tự trọng nghề nghiệp kiểm toán trong thực thi công vụ.

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán toàn diện về năng lực, hiệu lực và hiệu quả, như: ưu tiên tăng cường và phát huy hơn nữa tính độc lập của KTNN, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại; mở rộng phạm vi, quy mô và đẩy mạnh về chiều sâu loại hình kiểm toán hoạt động, kiểm toán CNTT, tăng cường kiểm toán chuyên đề; quan tâm xây dựng quy trình, thủ tục tiền kiểm, đặc biệt là việc đệ trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán và phân bổ NSNN; hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về chính sách, nghiệp vụ kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế và phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán Việt Nam...

Bốn là, đột phá về chiến lược phát triển công nghệ cao, CNTT trong mọi hoạt động của KTNN. Cụ thể như: xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dữ liệu và hạ tầng ứng dụng; xây dựng hạ tầng kết nối trao đổi thông tin nội bộ, hệ thống chia sẻ, kết nối liên thông với các đơn vị ngoài ngành; đầu tư bổ sung hệ thống máy chủ, thiết bị lưu trữ, trang bị truyền dữ liệu tốc độ cao; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu tổng hợp; xây dựng phần mềm ứng dụng; đảm bảo an toàn, an ninh mạng; hiện đại hóa hạ tầng CNTT dựa trên nền tảng điện toán đám mây;...

Năm là, duy trì và nâng tầm các hoạt động hợp tác quốc tế, như: tham gia và đóng vai trò tích cực vào Ban Điều hành của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao, Nhóm công tác nòng cốt về kiểm toán môi trường, Nhóm công tác về dữ liệu lớn của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao...; tăng cường các sáng kiến về chia sẻ kinh nghiệm và phát triển năng lực giữa các cơ quan kiểm toán tối cao trong khu vực và trên thế giới; đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, hội nghị, hội thảo, đào tạo, chia sẻ kiến thức với KTNN các nước và các tổ chức kiểm toán tối cao cấp khu vực và quốc tế; thực hiện thành công, có trách nhiệm Chương trình hành động thực hiện vai trò Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á nhiệm kỳ 2018-2021 của KTNN Việt Nam, thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt các ban, nhóm trong cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trong Tuyên bố Hà Nội....

NGUYÊN SƠN
Theo Báo Kiểm toán số 29ra ngày 18/7/2019
Cùng chuyên mục
Kỷ niệm 25 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước: Ấn tượng đẹp trên một hành trình