Lắng đọng lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”
Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ôn lại bối cảnh lịch sử mùa đông năm 1946. Chính quyền cách mạng Việt Nam bấy giờ gặp muôn vàn khó khăn, đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi cùng lúc phải giải quyết nạn đói, nạn mù chữ, lại phải đối phó với thù trong, giặc ngoài. Sau những phát súng mở đầu ở Thủ đô đêm 19/12/1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Tinh thần, khí phách “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm năm 1946-1947 mở đầu cho toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản anh hùng ca mùa đông bất tử. Tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện lịch sử vĩ đại này đang soi rọi vào công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Nhân chứng và hiện vật lịch sử
Giữa không khí náo nức kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, qua lời kể của những cựu chiến binh từng tham gia, nhiều người sẽ hiểu hơn về một thời kỳ lịch sử gian khổ mà hào hùng. Hà Nội là nơi mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc, vì thế, với những cựu chiến binh của Trung đoàn Thủ đô (đơn vị trực tiếp chiến đấu cầm chân quân Pháp tại Hà Nội), 60 ngày đêm máu lửa để bảo vệ Thủ đô còn có ý nghĩa quan trọng góp phần đưa đến chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (Trưởng Ban Liên lạc truyền thống quyết tử Trung đoàn Thủ đô) kể: “Sau một tuần thành lập, ngày 13/01/1946, trong lễ tuyên thệ tại Rạp hát Tố Như (nay là Rạp Chuông Vàng), những chiến sĩ của Trung đoàn đã cùng nhau thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” và thực hiện thành công nhiều trận đánh tiêu hao sinh lực địch. Đại tá Vũ Huy Du nhớ như in thời khắc lịch sử sau khi nhận hiệu lệnh tiến công, ông cùng đồng đội thuộc Trung đội 3 tự vệ đánh địch từ Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Gai...
Qua lời kể của các cựu binh, Hà Nội ngày ấy “mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ”. Những vật dụng như giường, tủ, bàn, ghế… đều được mang ra đường lập thành những chiến lũy, cản đường tấn công của quân Pháp. Trong ký ức còn vẹn nguyên về những ngày đông năm 1946, nguyên Tư lệnh quân khu Thủ đô, Trung tướng Chu Duy Kính kể, bản thân ông không nghĩ rằng cuộc kháng chiến được bắt đầu với khí thế hừng hực đến như vậy. Cả 4 pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Thổ Khối nã đạn vào đồn trú nội thành Hà Nội khiến quân Pháp hoang mang tột độ!
Ký ức về cuộc kháng chiến trường kỳ, mở đầu bằng những ngày kháng chiến toàn quốc hôm nay lại ùa về trên từng con đường, góc phố Thủ đô. Những bom 3 càng, súng tiểu liên, lựu đạn hay nòng súng đại bác ở pháo đài Láng… phần nào tái hiện sự khốc liệt của những ngày Toàn quốc kháng chiến đang được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đưa đến công chúng thông qua cuộc triển lãm “Bản hùng ca mùa đông năm 1946”. Mỗi người xem có một suy nghĩ, nhưng đều chung cảm xúc tự hào, biết ơn các thế hệ tiền nhân, những người đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ Thủ đô anh hùng. Cùng với những “con người làm nên lịch sử”, tinh thần bất diệt của ngày Toàn quốc kháng chiến vẫn luôn cháy và trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo, động lực sống cho nhiều thế hệ hôm nay và mãi mai sau.
Chú thích: Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa gặp lại nhau tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến.