Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025): Nghĩa tình, trách nhiệm

(BKTO) - Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) là ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam; là dịp để cả hệ thống chính trị và toàn xã hội bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sự hy sinh vô cùng to lớn của các Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.

7.jpg
Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, ngày 24/7, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Ảnh: ST

Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc

Để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân, cách đây 78 năm, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/7 đã được chọn làm "Ngày Thương binh toàn quốc".

Sau khi đất nước thống nhất, ngày 27/7 chính thức trở thành "Ngày Thương binh - Liệt sĩ" của cả nước. Từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

6.jpg
Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, ngày 24/7, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ (đường Bắc Sơn - Hà Nội). Ảnh: ST

Kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với việc đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Hằng năm, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương đã đến thăm, tặng quà các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, thể hiện sâu sắc truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái” và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Đặc biệt, dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), ngày 15/7, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và tặng quà các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tình cảm chân thành và niềm cảm phục lớn lao đối với các bác, các anh, các chị - những người đã chiến đấu kiên cường, hiến dâng tuổi trẻ và thân thể cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

0.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà thương binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (phường Ninh Xá, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: ST

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn nhất quán quan điểm: Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc, là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là một chính sách lớn, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tiếp nối các hoạt động ý nghĩa, ngày 20/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh An Giang, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tại Khu Di tích lịch sử quốc gia 27/7 và địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh tại tỉnh Thái Nguyên.

Ngày 23/7, Chủ tịch nước Lương Cường cùng đoàn công tác đã tới thăm, tặng quà thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên, tỉnh Ninh Bình. Trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và giải quyết chính sách cho 52 thương, bệnh binh và một thân nhân liệt sĩ của 9 tỉnh thành trên cả nước. Các thương, bệnh binh tại Trung tâm đều đã ở độ tuổi trên 70, trong đó cao nhất là 93 tuổi.

1(1).jpg
 Chủ tịch nước Lương Cường ân cần hỏi thăm và tặng quà các thương binh, bệnh binh, người có công tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên (Ảnh: qdnd.vn). Ảnh: ST

Các đồng chí lãnh đạo đã bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc, tưởng nhớ công ơn, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công với đất nước. Đồng thời khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhớ và tri ân sâu sắc những đóng góp, hy sinh to lớn của những người có công; mong muốn các thương binh, bệnh binh, người có công tiếp tục là tấm gương sáng, động viên con cháu, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần kiên cường, bất khuất; gương mẫu thực hiện, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiếp tục đóng góp cho quê hương, đất nước.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ: Để đất nước có được hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc như ngày nay có sự đóng góp to lớn của trên 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600.000 thương binh, bệnh binh, cùng hàng triệu người là thân nhân liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học...

Chính sách với người có công luôn hiện diện trong từng quyết sách của Đảng, Nhà nước

Công tác chăm lo người có công với cách mạng luôn giữ vị trí quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta và hiện diện trong từng quyết sách lớn. Ngày 01/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Ngày 23/4/2025, Chủ tịch nước ký Quyết định số 689/QĐ-CTN tặng quà cho người có công nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam và 80 năm Ngày thành lập nước. Ngày 13/6/2025, Chủ tịch nước tiếp tục ký Quyết định số 1000/QĐ-CTN tặng quà nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

2(1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, tặng quà gia đình ông Huỳnh Văn Anh (sinh năm 1967, là bệnh binh mất 81% sức lao động) tại phường Châu Đốc, tỉnh An Giang - Ảnh: ST

Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi năm 2025 tăng hơn 70% so với năm 2021 góp phần cải thiện đáng kể đời sống người có công. Trong gần 2 năm qua, cả nước đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công, kết quả cơ bản hoàn thành trên 41.800 căn nhà, từ ngân sách nhà nước là 1.970 tỷ đồng và các nguồn vận động, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đóng góp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1577/QĐ-TTg ngày 16/12/2024) nhằm đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các hoạt động tưởng niệm, tri ân đang diễn ra sôi nổi trên cả nước. Một trong những điểm nhấn là Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu do Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội tổ chức ngày 24/7, với sự tham dự của 250 đại biểu tiêu biểu là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, nhân chứng lịch sử đại diện cho các thế hệ người có công với cách mạng qua các thời kỳ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3.jpg
Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Trần ở phường Vạn Xuân, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: ST

Cùng với đó là chuỗi hoạt động thiết thực, đầy xúc động: Dâng hương tưởng niệm, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ; phát động phong trào thanh niên chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ; chỉnh trang công trình ghi công liệt sĩ; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương; tổ chức thăm hỏi, tặng quà tại các địa phương và trung tâm điều dưỡng người có công.

Nhiều địa phương cũng đã và đang triển khai hoạt động tri ân sâu sắc, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Tại TP. Hồ Chí Minh, Thành phố dự kiến dành khoảng 149 tỷ đồng cho các hoạt động kỷ niệm và chăm lo người có công. Ngoài ra, tổ chức 46 đoàn lãnh đạo đi thăm, tặng quà 5 trung tâm điều dưỡng thương binh tại các tỉnh phía Bắc, Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè và 225 gia đình chính sách tiêu biểu; tổ chức lễ viếng tại các nghĩa trang trên địa bàn.

TP. Hà Nội dự kiến trao 120.671 suất quà với tổng kinh phí hơn 190 tỷ đồng; tổ chức đoàn đại biểu dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ và di tích lịch sử cách mạng. TP. Đà Nẵng đã xây mới và sửa chữa 2.938 ngôi nhà trên tổng số 2.942 nhà tạm, dột nát cho người có công và thân nhân liệt sĩ (đạt 99,86%).

4.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi các đại biểu người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu tại Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu. Ảnh: ST

Việc tri ân, chăm lo và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là truyền thống quý báu của dân tộc. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội - thể hiện sự ghi nhận và lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của Nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu diễn ra ngày 24/7 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm xúc động: Chúng ta tri ân gần 1,2 triệu liệt sĩ - những người con ưu tú đã dũng cảm xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu và hy sinh quên mình. Nhiều người tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, đã gác lại bao ước mơ, hoài bão, những trang sách, giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương để lên đường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là đạo lý, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong suốt 78 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, Tổng Bí thư đề nghị trong thời gian tới, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chủ động nắm tình hình, giải quyết “thấu tình đạt lý” những đề xuất, tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của người có công với cách mạng và thân nhân; thực hiện kịp thời các thủ tục hành chính trong việc xem xét công nhận người có công và chi trả trợ cấp ưu đãi đảm bảo thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

5.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu tại Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu. Ảnh: ST

Tổng Bí thư cũng lưu ý: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tập trung đầu tư trang, thiết bị, phương tiện vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giám định gen ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở... trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống...

“Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn” - Tổng Bí thư khẳng định./.

Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh Kiểm toán nhà nước (KTNN) và KTNN chuyên ngành Ib do đồng chí Trần Minh Khương - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Trưởng đoàn dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Truông Bồn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào, tỉnh Nghệ An; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Nhân dịp này, KTNN khu vực I đã tới thăm, tặng quà các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, phường Ninh Xá, tỉnh Bắc Ninh; KTNN khu vực VII tổ chức các hoạt động thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi tặng quà tri ân gia đình chính sách trên địa bàn phường Yên Bái, tỉnh Lào Cai; KTNN khu vực XI dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa.

KTNN khu vực XIII dâng hương tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai; KTNN khu vực VI dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ TP. Hạ Long và thăm hỏi gia đình liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; KTNN khu vực V dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Cần Thơ và trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách trên địa bàn Thành phố; Đoàn Thanh niên KTNN phối hợp với các tổ chức, đơn vị hành trình sinh hoạt chính trị, tri ân và các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị…



Cùng chuyên mục
  • Thủ tướng thăm Mẹ Việt Nam anh hùng và dâng hương tại Quảng Trị
    17 giờ trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng 26/7, trong chương trình công tác tại tỉnh Quảng Trị, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng; dâng hương, dâng hoa tại di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.
  • Việt Nam và Morocco trao đổi kinh nghiệm về mô hình trung tâm tài chính quốc tế
    18 giờ trước Đối ngoại
    (BKTO) - Chiều 25/7, giờ địa phương, tại thành phố Casablanca, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Morocco của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã thăm, làm việc với Trung tâm Tài chính Casablanca - một trong những trung tâm tài chính lớn nhất ở Châu Phi.
  • Hoàn thiện khung pháp lý cho hợp tác song phương Việt Nam - Morocco
    19 giờ trước Đối ngoại
    (BKTO) - Chiều 25/7, giờ địa phương, tại thành phố Casablanca, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Morocco, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Tọa đàm chính sách Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Morocco.
  • Đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN của thân nhân gia đình liệt sĩ
    hôm qua Chính trị
    (BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu này khi dự Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai kế hoạch số 356/KH-BCA-C06 về thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác nhận được danh tính trên toàn quốc do Bộ Công an tổ chức nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, chiều 25/7, tại Hà Nội.
  • Mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội
    hôm qua Chính trị
    (BKTO) - Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp cho ý kiến về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội (NƠXH) năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, chiều 25/7.
Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025): Nghĩa tình, trách nhiệm