Kỳ vọng ngành y…

(BKTO) - Có thể nói, năm 2023 là một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành y tế. Song từ chính những khó khăn, bất cập được nhận diện, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành với những quy định mang tính đột phá, giúp ngành y tế từng bước giải quyết khó khăn, thách thức và mở ra kỳ vọng tốt đẹp hơn.

16.jpg
Cần tiếp tục hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho ngành y. Ảnh minh họa

“Cởi trói” từ cơ chế…

Năm 2023, dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế thành công, chuyển thành bệnh truyền nhiễm nhóm B; nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi cũng được khống chế… Tuy nhiên, năm qua, ngành y tế lại đối mặt với hàng loạt thách thức khác khi tình trạng thiếu thuốc, vắc-xin, vật tư, trang thiết bị y tế kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh cũng như quá trình điều trị của người bệnh. Bên cạnh đó, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Bệnh nhân có thẻ BHYT vào viện vẫn phải bỏ tiền mua thuốc, vật tư tiêu hao như: Gạc phẫu thuật, kim tiêm, chỉ, dao mổ và băng keo… Lời chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trước Quốc hội: "Ngành y đang khó khăn hơn bao giờ hết, nhiều cơ sở y tế thành con nợ" đã cho chúng ta hình dung được thực trạng của ngành y năm qua.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do đại dịch Covid-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Cùng với đó là các bất cập trong quy định về đăng ký, đấu thầu, mua sắm và tâm lý e ngại, sợ sai tại một số cơ quan, cơ sở y tế. TS. Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - cho biết, sau dịch Covid-19, số bệnh nhân đến khám, phẫu thuật ở Bệnh viện tăng lên khoảng 200% so với thời gian dịch Covid-19, trong khi quy định về mua sắm đấu thầu chỉ được vượt 130%. Trong điều kiện không ít mặt hàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị từ các nhà cung ứng bị gián đoạn do bị đứt gãy nguồn cung; nhiều vật tư, dụng cụ phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khoa chỉ có 1-2 nhà cung ứng đã tạo ra không ít áp lực và ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch của Bệnh viện.

Về cơ bản, các khó khăn, vướng mắc về đấu thầu trong y tế đã được nhận diện và xem xét trong Luật Đấu thầu (sửa đổi). Sắp tới, cùng với các thông tư hướng dẫn thì chắc chắn là việc đấu thầu trong y tế sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.

Ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trước thực trạng trên, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành đã rất cố gắng, nỗ lực giải quyết. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 80/2023/QH15 cho phép kéo dài thời gian đăng ký lưu hành thuốc, nhằm đáp ứng được số lượng thuốc cung ứng trên thị trường. Đặc biệt, nhằm cấp bách tháo gỡ vướng mắc về cơ chế đấu thầu, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP. Hai văn bản này với nhiều chính sách đột phá, có thể áp dụng ngay, được ví như “liều thuốc quý” giúp ngành y tế tháo gỡ các rào cản, các "nút thắt" lớn trong mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Đơn cử như về cơ chế đấu thầu, theo quy định buộc phải có 3 báo giá, nếu chỉ dùng 1 báo giá chính hãng thì sẽ phạm luật. Yêu cầu 3 báo giá là một biện pháp kiểm soát, tránh tiêu cực nhưng là bất khả thi với những loại hàng hoá độc quyền, chỉ có 1 nhà cung cấp như đặc thù của ngành y tế. Tháo gỡ vướng mắc này, Nghị quyết số 30 quy định, trong trường hợp cần thiết, chỉ cần có một báo giá vẫn đảm bảo được việc mua sắm. Hay đối với vấn đề về giá, Nghị quyết số 30 cho phép trong trường hợp cần thiết nếu giá vật tư y tế đó không phải là giá thấp nhất thì vẫn có thể được mua nếu được Hội đồng khoa học lựa chọn…

Cùng với những giải pháp cấp bách trước mắt, Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội ban hành trong năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 cũng mở ra rất nhiều chính sách về đấu thầu cho ngành y tế.

Kỳ vọng năm 2024

Trước nghị trường, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: “Ngành y tế là một trong những ngành được ưu tiên nhất liên quan đến cơ chế, chính sách để giải quyết việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế". Những quyết sách từ Quốc hội, Chính phủ đã tháo gỡ kể cả về mặt nguồn cung thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế và cả cơ chế, chính sách mua sắm. Trên cơ sở các văn bản này, Bộ Y tế tiếp tục ban hành những thông tư hướng dẫn giúp các cơ sở y tế có thể yên tâm tổ chức mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật. Bộ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt là thuốc hiếm, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ.

PGS,TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, Bệnh viện tổ chức thành công nhiều gói thầu mua sắm khoảng gần 4.000 tỷ đồng bao gồm: Trang thiết bị, vật tư (hơn 1.700 tỷ đồng), thuốc (hơn 2.000 tỷ đồng) phục vụ cho công tác điều trị. “Nghị quyết số 30 của Chính phủ đã tháo gỡ được những khó khăn cơ bản, Nghị định số 07 giúp thông quan trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất thuận lợi hơn. Sau đó là Thông tư số 14 của Bộ Y tế đã giúp tháo gỡ khó khăn của Bạch Mai nói riêng và của cả hệ thống các bệnh viện trong cả nước nói chung. Chúng tôi tự tin mua sắm. Việc bổ sung trang thiết bị và thuốc đều có lộ trình đảm bảo tốt nhất cho công tác khám, chữa bệnh” - PGS,TS. Đào Xuân Cơ nói.

Số bệnh nhân cần nội soi từ 600-800 ca/ngày, thậm chí cả nghìn ca. Trước đây 7- 8h sáng đã hết số nội soi nhưng hiện tại không còn người bệnh phải chờ.

PGS,TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Về lâu dài, để không còn tái diễn tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, Bộ Y tế xác định cần phải những giải pháp căn cơ, mạnh mẽ hơn. Theo đó, Bộ Y tế đang sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đấu thầu để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế như sửa đổi Thông tư số 15/2019/TT-BYT và Thông tư số 13/2019/TT-BYT để phù hợp với quy định mới tại Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đồng thời, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc theo hướng các cơ sở y tế có thể mua được nhiều thuốc có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, đường dùng với giá phù hợp để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.

Đối với vấn đề vắc-xin, để đảm bảo nguồn cung, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ, ngành liên quan sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo kinh phí mua vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Nhìn lại một năm nhiều khó khăn và biến động của ngành y tế đã đi qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ, năm 2024 có thể còn nhiều khó khăn, thách thức trước mắt, trong đó vấn đề liên quan đến cơ chế cần tiếp tục hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho ngành y tế hoạt động, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế… Đặc biệt, trong năm 2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, với nhiều quy định mới đi vào đời sống sẽ tạo những chuyển biến tính cực cho ngành y tế thời gian tới./.

Cùng chuyên mục
Kỳ vọng ngành y…