Khu vực FDI là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế - Ảnh: TTXVN
Trên chặng đường 30 năm qua, đầu tư nước ngoài đã đồng hành cùng tiến trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Nền kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc như ngày hôm nay, có thể khẳng định, có sự đóng góp không nhỏ của khu vực đầu tư nước ngoài - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Đến nay, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Lũy kế đến ngày 20/8/2018, cả nước có 26,5 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Tỷ trọng vốn FDI thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18-25% trong giai đoạn 1991-2017.
Cùng với việc góp phần chuyển đổi không gian phát triển tại Việt Nam, đầu tư nước ngoài còn tạo thuận lợi cho Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, tăng trưởng xuất khẩu cao, cũng như đóng góp đáng kể vào việc phát triển các ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch… Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu, đạt 72,6% trong năm 2017 và 71,4% trong 9 tháng năm 2018. Số thu nộp NSNN của khu vực FDI tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu NSNN. Tính đến nay, khu vực FDI đã tạo ra gần 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc mở cửa thu hút FDI là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Khu vực kinh tế có vốn FDI đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Các DN FDI là những thành viên tích cực trong “đại gia đình” các DN Việt Nam. Việt Nam tự tin và tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài.
Nhìn nhận rõ những bất cập cần khắc phục
Tuy nhiên, phía sau những thành tựu nổi bật trên, việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua của Việt Nam còn nhiều bất cập. Những vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thẳng thắn nêu rõ tại Hội nghị.
Thứ nhất là việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực FDI đến khu vực trong nước còn thấp. Nhiều dự án FDI tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp; tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình. Các DN FDI và DN trong nước còn thiếu sự liên kết chặt chẽ để cùng phát triển.
Thứ hai, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đầu tư đăng ký. Năm 2017, gần 1/2 tổng vốn FDI đăng ký nhưng chưa được thực hiện. Chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư nước ngoài chưa đạt kết quả như kỳ vọng; số dự án đầu tư nước ngoài ở các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn chưa nhiều. Đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực, như: nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, giáo dục đào tạo, y tế... và đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia còn khiêm tốn.
Thứ ba, một số DN FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường, một số trường hợp đã gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và cuộc sống của người dân, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Việc sử dụng đất đai và tài nguyên không tái tạo tại một số dự án FDI còn lãng phí và kém hiệu quả.
Thứ tư, một số DN FDI có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế. Thực tế cũng cho thấy, còn trường hợp bên nước ngoài trong các liên doanh đã tạo áp lực buộc bên Việt Nam phải nhượng lại phần vốn góp, chuyển DN liên doanh thành DN 100% vốn nước ngoài, làm hạn chế khả năng liên kết và chuyển giao công nghệ.
Thứ năm, việc chấp hành pháp luật về lao động tại một số DN FDI chưa nghiêm, trong đó có việc sử dụng lao động nước ngoài. Tỷ lệ các cuộc đình công không theo trình tự pháp luật quy định và tranh chấp lao động trong khu vực FDI có xu hướng gia tăng…
Nhấn mạnh lại những vấn đề trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta cần nhìn thẳng vào những hạn chế, cả những thua thiệt trong thu hút FDI. Các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào nước ta nhìn chung là rất quý, nhưng có tranh thủ được nguồn lực này cho phát triển, nâng cao quốc lực của đất nước là trách nhiệm của chúng ta.
Nêu rõ quan điểm của Chính phủ trước cộng đồng DN FDI, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam nhất quán và cam kết tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài và cam kết xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, mang tính cạnh tranh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và phù hợp với các cam kết tiêu chuẩn cao trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Chính phủ luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững.
Dù có được kết quả đầu tư FDI ấn tượng, nhưng những năm gần đây, Việt Nam đã nhận thức rõ cần phải thay đổi chiến lược thu hút FDI, bảo đảm sự bền vững của luồng vốn tiếp nhận được và đẩy mạnh giá trị gia tăng để đạt được các mục tiêu phát triển. Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Ngân hàng Thế giới hỗ trợ xây dựng “Chiến lược và định hướng Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới”. Trong đó, một số yêu cầu như: thu hút dự án FDI công nghệ cao, mang lại nhiều giá trị gia tăng; tạo hiệu ứng lan tỏa từ khu vực FDI sang DN trong nước; siết chặt quản lý nhà nước đối với FDI… được coi là đầu vào cho việc xây dựng Chiến lược. |
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 11-10-2018