Chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia “Thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh sửa đổi Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản” mới diễn ra, GS,TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, thị trường bất động sản có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động... Phát triển và quản lý hiệu quả thị trường bất động sản sẽ góp phần quan trọng vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo khả năng thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư cho phát triển, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển các khu vực đô thị và nông thôn bền vững, từ đó đóng góp cho tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Cũng theo ông Chương, trong giai đoạn 2022-2023, thị trường bất động sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nguyên nhân liên quan tới các vướng mắc pháp lý. Tuy nhiên, từ năm 2024, thị trường bất động sản được kỳ vọng thay đổi tích cực khi 3 bộ luật quan trọng là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đồng thời có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời điểm được Quốc hội thông qua trước đó, góp phần hoàn thiện những “mảnh ghép” cuối cùng trong bức tranh pháp lý cho thị trường bất động sản.
“Thị trường bất động sản có cơ sở để kỳ vọng vào một viễn cảnh phục hồi theo hướng bền vững hơn, khi khung pháp lý quan trọng được mở ra với nhiều quy định và cơ chế chính sách mới tác động đến thị trường và các chủ thể tham gia” - GS,TS. Phạm Hồng Chương nói.
Thông tin về một số điểm mới của Luật Đất đai 2024, ông Nguyễn Đắc Nhẫn - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật có 5 điểm đổi mới quan trọng có tác động lớn đến thị trường bất động sản, đó là các quy định liên quan đến quyền của người sử dụng đất, quy hoạch đất, thu hồi đất, tài chính và phân cấp phân quyền.
Trong đó, Luật đã bổ sung quy định về sử dụng đất kết hợp đa mục đích; bổ sung, hoàn thiện hơn các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, tạo khung pháp lý về quản lý, sử dụng đất đầy đủ, toàn diện hơn... Qua đó nhằm khơi thông, giải phóng nguồn lực đất đai, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
“Đây là những động lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững như kỳ vọng và mong muốn của Nhà nước, của cộng đồng doanh nghiệp và của người dân” - ông Nhẫn nói.
Đánh giá về những chuyển động của thị trường bất động sản khi các Luật trên được thi hành, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, ngay sau khi các Luật có hiệu lực, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện, đem đến những chuyển biến tích cực cho thị trường như nguồn cung, lượng giao dịch đã được cải thiện. Bắt đầu từ quý II/2024, nguồn cung của thị trường bất động sản đã gia tăng, kể cả phân khúc chung cư và nhà ở gắn liền với đất (biệt thự liền kề), nhiều dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở bán sản phẩm. Lượng giao dịch cũng có sự tăng trưởng qua từng quý...
Từ góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ, tín hiệu vui của thị trường là ngay sau khi các Luật mới có hiệu lực, nhiều dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý và chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường. Số lượng dự án mới trong quý III đã tăng cao so với thời điểm đầu năm, đáp ứng phần nào nhu cầu đang khá cao của thị trường. Trước đó, do cung ít hơn cầu nhiều nên giá bất động sản đã tăng đột biến. Do đó, các Luật mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy gia tăng nguồn cung, từ đó giải quyết hài hòa cung cầu trên thị trường, góp phần ổn định và phát triển thị trường bất động sản một cách bền vững.
Ông Đính cũng chia sẻ thêm, các Luật mới đang trong giai đoạn đầu triển khai, cần có thời gian để các quy định mới thẩm thẩu và đi vào thực tiễn. Để đẩy nhanh tiến trình này, việc phổ biến, hướng dẫn pháp luật cần được đẩy mạnh, giúp các bên liên quan nắm bắt và vận dụng các quy định mới của Luật một cách hiệu quả.
Bên cạnh những chuyển động tích cực của thị trường, theo ông Đính, thị trường bất động sản vẫn còn phát triển mất cân đối, biểu hiện là sản phẩm nhà ở trên thị trường vẫn chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp, cao cấp, thiếu các sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thuộc phân khúc bình dân.
“Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền đang rất lớn, tuy nhiên, nguồn cung trên thị trường hiện rất thiếu các sản phẩm này, đây là điều bất thường, mất cân đối của thị trường bất động sản. Do đó, chính sách điều tiết thị trường trong thời gian tới cần thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân nhiều hơn nữa, từ đó thị trường mới phát triển bền vững và ổn định” - ông Đính nói.
Cùng với việc thúc đẩy phát triển hài hòa cung cầu trên thị trường, GS,TS. Hoàng Văn Cường - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ thêm, thời gian qua, cục bộ tại một số địa phương, khu vực, giá bất động sản có sự biến động tăng cao bất thường, nhiều phiên đấu giá đất tăng cao so với giá khởi điểm và mặt bằng giá chung trên thị trường…
Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những biện pháp hiệu quả để kiểm soát giá nhà ở, cũng như các chiêu trò “thổi giá”, “đẩy giá” của một số đối tượng trên thị trường, nhằm tạo điều kiện để nhiều người dân có cơ hội được tiếp cận nhà ở, đồng thời hướng thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh hơn./.