Lãi suất giảm, tín dụng nhích tăng

(BKTO) - Mặt bằng lãi suất này đã giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Trong khi đó, tín dụng có dấu hiệu nhích tăng lên sau 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm.

tin-dung.jpg
Tính đến ngày 25/3, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023.Ảnh ST

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới thời điểm hiện tại lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm. Mặt bằng lãi suất này đã giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Theo các chuyên gia SSI Research, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã tạo đáy và kỳ vọng nhích tăng dần về cuối năm. Mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế và diễn biến của lạm phát.

NHNN cho biết, tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD. Tính đến ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Cùng kỳ năm ngoái, huy động tăng 1,17%.

Cũng theo NHNN, tính đến ngày 25/3, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng 3 tăng 0,98%).

Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng trong giai đoạn đầu năm 2022 phản ánh nhu cầu tín dụng tăng dần của doanh nghiệp sau khi bị gián đoạn do dịch bệnh, cùng với nỗ lực hỗ trợ bơm vốn rẻ của hệ thống ngân hàng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi.

Trước đó, tăng trưởng tín dụng âm trong 2 tháng đầu năm 2024 và  NHNN đã có một số cuộc họp để phân tích, đánh giá nguyên nhân và đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.

NHNN cho biết, mức giảm thời gian qua ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Trong đó, khó khăn một phần do kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao, đồng USD, giá vàng thế giới diễn biến phức tạp; chênh lệch lãi suất USD-VND...

Bên cạnh đó, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán. Trong khi đó, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu…

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và đang rà soát để sửa đổi, bổ sung, gia hạn thông tư; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản.../.

Cùng chuyên mục
Lãi suất giảm, tín dụng nhích tăng