Làm gì để tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt trên sân chơi CPTPP?

(BKTO) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt “cất cánh”. Tuy nhiên, cũng không ít thách thức được đặt ra trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, phân phối nông sản, đòi hỏi mỗi DN, người dân phải biến bất lợi thành lợi thế.



Cơ hội song hành thách thức

CPTPP gồm 11 nước thành viên, có tổng dân số khoảng 500 triệu người. Tổng giá trị GDP năm 2018 của các nước CPTPP là 11.000 tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP và 14% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Ngày 14/01/2019, CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam.
Theo các chuyên gia, về cơ bản, CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, trong đó có nông sản Việt, nhất là các thị trường mà Việt Nam chưa có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương là Canada, Mexico… nhờ những ưu đãi về thuế quan. Đồng thời, CPTPP sẽ giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư (cả FDI và tư nhân trong nước) cho nông nghiệp; mở rộng cơ hội tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn và nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, bàn về khó khăn đến từ việc thực thi CPTPP, nhiều ý kiến cho rằng, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì hàng rào kỹ thuật sẽ nghiêm ngặt và khắt khe hơn. Vì vậy, CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức đối với sản xuất tiêu thụ, phân phối nông sản Việt Nam.

Một số thách thức được các chuyên gia chỉ rõ là các nước CPTPP có thể giảm thuế suất nhưng lại nâng cao các hàng rào phi thuế quan và kiểm soát nghiêm ngặt hơn; nông sản sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn. Trong khi đó, chất lượng sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém.

Sau một thời gian hợp tác với DN Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam - ông Hong Sun - đánh giá, việc tìm một đối tác phù hợp ở Việt Nam rất khó khăn, thậm chí mất từ 5 - 6 năm do DN Việt chưa có cách làm bài bản, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam xây dựng được rất nhiều nông sản nhưng chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Chẳng hạn như chuối của Việt Nam ngon hơn rất nhiều so với chuối Hàn Quốc nhưng người tiêu dùng vẫn không tin tưởng vì không có thương hiệu.

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh

CPTPP đang dần tác động mạnh mẽ đến thị trường trong nước. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 - 10 năm. Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Phạm Quỳnh Mai cho rằng, CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Để tận dụng tốt các cơ hội cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới, DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, DN cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Mặt khác, các DN cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Gợi mở các giải pháp nhằm tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt trên sân chơi CPTPP, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từ cơ cấu Chính phủ cho đến DN; cập nhật những tri thức và tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất để vực dậy nền tảng quốc gia có truyền thống nông nghiệp như Việt Nam. Ngoài ra, tăng cường trao đổi, liên kết 6 nhà (nhà nông, Nhà nước, DN, nhà khoa học, ngân hàng, nhà phân phối) để tạo ra những sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố kỷ luật, giám sát sản xuất đồng bộ, đúng quy trình, xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng Việt Nam.

Tuy nhiên, để tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên sân chơi CPTPP, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thai Binh Seed Trần Mạnh Báo đề xuất, có 3 vấn đề mà Việt Nam cần thay đổi. Một là, thay đổi công nghệ sản xuất nông nghiệp. Hai là, chú trọng liên kết DN với DN, bên cạnh liên kết 4 nhà (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - DN), từ đó thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ba là, thay đổi cơ chế, chính sách nhà nước theo hướng ổn định, hiệu quả và minh bạch. Chính phủ cần phối hợp với DN đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu quốc gia một cách đồng bộ và vững mạnh. Chỉ như thế, nông sản Việt mới có cơ hội “cất cánh” trong CPTPP.
Bài và ảnh: LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 29 ra ngày 18-7-2019
Cùng chuyên mục
  • BSR nộp NSNN 4.755 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 906 tỷ đồng
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) vừa công bố Báo cáo tài chính quý II/2019 với nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt và vượt kế hoạch.
  • Diễn đàn doanh nghiệp và báo chí 2019
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Chiều 17-7, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn doang nghiệp và báo chí 2019: Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công trong bối cảnh mới và phát động chương trình bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân - doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lần thứ VII.
  • Thực hiện công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch còn khó khăn, vướng mắc
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Sau 1,5 năm triển khai thi hành Luật Quy hoạch theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/2/2018 của Chính phủ, các chuyên gia, nhà quản lý đều nhấn mạnh, việc ban hành Luật Quy hoạch đã tạo khung pháp lý quan trọng nhằm đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch theo hướng tổng hợp, đa ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả về công tác quy hoạch trước đây. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khẩn trương khắc phục.
  • Thúc đẩy tăng trưởng thông qua cải thiện chính sách và thích ứng với hội nhập
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Sáng 12/7, tại Hà Nội, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn".
  • Tăng trưởng kinh tế có nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng có yếu tố tiêu cực, rủi ro
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Phân tích về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, TS.Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã đưa ra nhiều nhận xét, đánh giá về tăng trưởng kinh tế, về những mặt tích cực xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như cảnh báo về những tiêu cực, rủi ro liên quan... Đồng thời đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 có thể đạt tới 6,86%.
Làm gì để tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt trên sân chơi CPTPP?