Hội thảo nhằm cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô Quý II và 6 tháng đầu năm 2019; cập nhật triển vọng kinh tế vĩ mô cả năm 2019; phân tích sâu, dưa trên bằng chứng về một số vấn đề kinh tế nổi bật hiện nay. Đáng chú ý, Hội thảo còn nhằm ghi nhận những ý kiến, kiến nghị về những định hướng đổi mới kinh tế, bao gồm cả thế chế kinh tế, và giải pháp chính sách cho công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm 2019 và các năm tiếp theo.
Quang cảnh Hội thảo |
Tại Hội thảo, đại diện của CIEM đã trình bày kết quả kinh tế Việt Nam đạt được trong 6 tháng đầu năm và chia sẻ 2 góc nhìn.
Góc nhìn thứ nhất là về những điểm cần lưu ý trong diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, do có nhiều diễn biến bất định có thể xảy ra trong tương lai, kéo theo các phản ứng khác nhau của các quốc gia khác. Là một nền kinh tế nhỏ và mở cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam khó tránh khỏi những tác động gây ra từ cuộc chiến tranh thương mại này, do đó cần phải lựa chọn chính sách để ứng phó.
Góc nhìn thứ hai là về việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong đó phân tích những định hướng và nội dung sửa đổi cơ bản, tập trung vào đơn giản hóa gia nhập thị trường, nâng cao chuẩn mực quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt và những phương án sửa đổi đối với doanh nghiệp nhà nước.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM, nửa đầu năm 2019 đã chứng kiến bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có không ít bất định, tạo thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Công tác điều hành chính sách cải cách kinh tế của đất nước bộc lộ nhiều điểm sáng, quan đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
So với giai đoạn 2008- 2009, Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ diễn biến kinh tế thế giới. Quan trọng hơn là các yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh vẫn được lưu tâm, thúc đẩy song song với quá trình ứng phó với bất định của môi trường kinh tế thế giới.
Theo kết quả dự báo của CIEM, tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 6,82%; tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 8,02%; thặng dư thương mại khoảng 0,8 tỷ USD và lạm phát bình quân năm 2019 khoảng 3,38%. |
Quan trọng hơn cả, theo các chuyên gia, sự đối đầu giữa các công nghệ mới và tư duy quản lý truyền thống ngày càng phức tạp hơn, ngay cả ở các thị trường phát triển. Do đó, tại Hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, cần phải ưu tiên chính sách cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.
Thảo luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu thể hiện rõ sự đồng tình với các khuyến nghị cần phải quản lý dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo hướng đảm bảo phải hấp thụ được, qua đó cũng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành tỷ giá cần tiếp tục thận trọng, linh hoạt; tích cực cải thiện môi trường kinh doanh để tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp và cần phải có tư duy mở hơn với các vấn đề mới của Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số… Song song với đó là thúc đẩy hội nhập thông qua việc nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến CPTPP; chuẩn bị trong nước cho quá trình hội nhập EVFTA…
Tin và ảnh: PHÚC KHANG