Làm gì để “thúc” giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng?

(BKTO) - Sau hơn nửa năm triển khai, đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội (NƠXH) mới chỉ giải ngân được một phần rất nhỏ, do còn vướng nhiều rào cản. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này, góp phần thúc đẩy phân khúc NƠXH phát triển, cũng như hỗ trợ đối tượng người thu nhập thấp có cơ hội hiện thực hóa ước mơ an cư.

13.jpg
Nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn rất hạn chế. Ảnh: ST

Tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp

Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai từ đầu tháng 4/2023 theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, nhằm hỗ trợ cho vay chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 10/2023, gói tín dụng này mới giải ngân được khoảng 83 tỷ đồng trong tổng số 1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn, tức chỉ chiếm khoảng 0,07%.

Việc giải ngân đạt tỷ lệ rất thấp được Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đánh giá là do nguồn cung NƠXH hạn chế, cùng với đó các địa phương còn chậm công bố các dự án đủ điều kiện vay vốn. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay mới có 20 địa phương công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Như vậy, còn tới 43 địa phương vẫn đang tổng hợp danh sách dự án có nhu cầu vay vốn theo chương trình này.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong quý III/2023, trên địa bàn cả nước có 19 dự án NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 18.752 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng.

Một nguyên nhân khác khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn “ế” được ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh - chỉ ra, lãi suất chưa hấp dẫn. Cụ thể, các chính sách ưu đãi về tín dụng dành cho NƠXH đang được triển khai có mức lãi suất phổ biến khoảng 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm. Trong khi đó, đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, mức lãi suất áp dụng đối với người mua nhà đến hết tháng 6/2023 là 8,2%/năm, sau đó lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần. “Mức lãi suất trên là khá cao, vượt quá khả năng chi trả của đối tượng là người có thu nhập thấp; chưa kể, thời hạn ưu đãi chỉ có 5 năm cũng gây bất an, lo lắng cho người vay” - ông Châu nhấn mạnh.

Không riêng với người mua nhà, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho biết, với mức lãi suất hiện tại khoảng 8,7%/năm, các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà với việc tham gia vào phát triển NƠXH. “Lợi nhuận của các dự án NƠXH bị khống chế ở mức không quá 10%, trong khi lãi suất vay ngân hàng đã hơn 8%/năm thì doanh nghiệp rất khó làm” - ông Đính chia sẻ.  

Đặc biệt, theo các chuyên gia, các tiêu chí, điều kiện về đối tượng được mua NƠXH có nhiều quy định còn bất cập và quá chặt như quy định về thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân hay quy định về xác nhận thực trạng nhà ở…, khiến người mua nhà gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục, từ đó nản lòng hoặc không thể thực hiện được đầy đủ thủ tục theo quy định để được tiếp cận mua NƠXH.

Cần mở rộng đối tượng vay vốn

Việc triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ mang lại rất nhiều tác động tích cực. Một mặt, gói tín dụng này sẽ góp phần khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy phân khúc NƠXH phát triển, giúp giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu sản phẩm bất động sản trên thị trường. Về phía người mua nhà, việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc có cơ hội để sở hữu nhà ở, đồng thời giảm bớt gánh nặng tài chính từ việc vay vốn… Với những ý nghĩa đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này đang là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra hiện nay.

Đưa khuyến nghị về giải pháp, chuyên gia kinh tế - PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - cho rằng, về mặt lãi suất, theo quy định, lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ biến động theo thời gian, cho phép điều chỉnh lãi suất 6 tháng một lần, khi mặt bằng lãi suất giảm, lãi suất cho vay mua NƠXH từ gói tín dụng cũng giảm. Do đó, ngành ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí nhằm hạ lãi suất cho vay, để phù hợp với khả năng chi trả của đối tượng người thu nhập thấp.

Về đối tượng thụ hưởng chính sách, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét, mở rộng hơn một số đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại giá thấp và trung cấp. Đồng thời, các điều kiện vay vốn cần được sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn để người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục quy hoạch đất các dự án NƠXH, nhà ở công nhân. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản, trong đó có NƠXH để tăng nguồn cung cho thị trường.

Liên quan đến việc triển khai gói tín dụng này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1177/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững. Tại Công điện, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp khả thi triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NƠXH; đồng thời khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện chương trình này./.

Cùng chuyên mục
Làm gì để “thúc” giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng?