Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Chính phủ |
Hội thảo do Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tổ chức.
Tại Hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội lần XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa vào Chương trình làm việc nhiệm kỳ 2021-2026 nhiệm vụ xây dựng, ban hành Nghị quyết Trung ương về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đây là một công việc rất hệ trọng, góp phần quyết định đối với thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới đây.
6 tháng qua, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã triển khai rất khẩn trương nhiều hoạt động, huy động các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị tham gia nghiên cứu, tổng kết, đề xuất các vấn đề thuộc nội dung của Nghị quyết (theo 27 chuyên đề).
Theo kế hoạch xây dựng Đề án, dự kiến sẽ có 3 cuộc hội thảo được tổ chức và đây là cuộc hội thảo thứ nhất với mục đích làm rõ hơn, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn - những vấn đề cốt lõi đang đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ: Từ những giá trị phổ biến, phổ quát về nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại, được kiểm chứng trong quá trình phát triển của các nhà nước trên thế giới, nhất là xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chính thức xác định Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo là 1 trong 8 đặc trưng của xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng.
Hiến pháp năm 2013 (Điều 2) khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Mới đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”. Nghị quyết Đại hội XIII cũng xác định rất rõ việc phát huy giá trị con người Việt Nam, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội thảo. Ảnh: Chính phủ |
Để hiện thực hóa chủ trương, quan điểm trên, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo và tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, định hình rõ hơn và tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đến nay, hệ thống pháp quyền của chúng ta đã được hoàn thiện một bước cơ bản, vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng.
Cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ máy nhà nước từng bước được sắp xếp lại theo theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng, bảo đảm.
“Có thể thấy, ở nước ta, những giá trị tiến bộ, nhân văn của Nhà nước pháp quyền XHCN từng bước được thực hiện, góp phần quan trọng bồi đắp, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước và tương lai tươi sáng của đất nước chúng ta” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã thẳng thắn chỉ rõ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới.
Tại Hội thảo, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận thẳng thắn, làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đề xuất được những giải pháp mới có tính đột phá, giúp Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu đưa vào đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào cuối năm 2022./.