Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo Văn bản số 1693/TTg-V.I của Văn phòng Chính phủ, vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng có Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành rà soát, thanh, kiểm tra các cơ quan, đơn vị các cấp để kịp thời phát hiện sai phạm, đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài sản công.
Về đề nghị của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
Trong thời gian qua, công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong việc đấu tranh PCTN.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường việc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ PCTN; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tham nhũng, tiêu cực.
Liên quan đến các sai phạm đất đai trong thời gian qua, thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Cuộc họp Thường trực của Ban Chỉ đạo vào ngày 18/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 723/VPCP-V.I ngày 02/4/2021, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan nghiên cứu, phân tích, đánh giá các sai phạm về đất đai thời gian qua tại các địa phương; đề xuất các giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác PCTN, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Triển khai hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN theo Định hướng chương trình thanh tra năm 2022 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Đồng thời, tăng cường, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Về ý kiến của đại biểu Quốc hội, nội dung Định hướng chương trình thanh tra năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã bao gồm nội dung thanh tra liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công, cụ thể:
Thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của DNNN, DN cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở tại một số bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra công tác quản lý và thực hiện các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị; thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị tại một số địa phương.
Đồng thời, thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, KIT xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, nội dung Định hướng chương trình thanh tra năm 2022 đã nêu nhiệm vụ cụ thể cho Thanh tra Chính phủ. Theo đó, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thanh tra bộ, ngành, địa phương về xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công nhằm phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này./.
HỒNG NHUNG