Làm rõ quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với kết cấu hạ tầng giao thông

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Đoàn giám sát bổ sung những kiến nghị, đề xuất cụ thể hơn về hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; bổ sung đề xuất về hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, quản lý đăng kiểm phương tiện giao thông; về đầu tư mạng lưới giao thông…

Tiếp tục phiên họp thứ 32, sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” về lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

202404230834097176_dsc_5796tc.jpg
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ bộc lộ nhiều bất cập

Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mạng lưới giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước ngày càng được phát triển, thông suốt, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp...

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm “nồng độ cồn”.

Qua giám sát cho thấy, tình hình TTATGT đường bộ có những chuyển biến tích cực, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao, số vi phạm có xu hướng giảm, nhất là vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện. Qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm...

202404230819070579_dsc_5774-toi.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo kết quả giám sát. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch giao thông đường bộ, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế. Hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Sau 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy, nhiều quy định của Luật không còn phù hợp, phát sinh bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, còn thiếu nhiều quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về TTATGT đường bộ, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ tuy đã được quan tâm nhưng chưa thực hiện thường xuyên, liên tục, hiệu quả còn có phần hạn chế; việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của nhân dân.

Theo Đoàn giám sát, hiệu quả khắc phục và xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông, kết quả xử lý các kiến nghị điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông còn thấp. Công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ vẫn là khâu yếu.

“Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông diễn ra phức tạp, việc tùy tiện đấu nối vào các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt vẫn chưa được giải quyết triệt để; công tác quản lý thực hiện quy trình xây dựng công trình và việc sử dụng đất dọc theo hành lang an toàn giao thông đường bộ và đường sắt còn hạn chế, chậm được xử lý, giải quyết. Nguồn vốn chi thường xuyên được bố trí cho công tác Quản lý bảo trì đường bộ còn thấp, khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng mỗi năm, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu đối với hệ thống quốc lộ nói chung” - ông Lê Tấn Tới nêu.

Làm rõ vấn đề tiêu cực trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, tuy là báo cáo bước đầu kết quả giám sát nhưng đã có chất lượng tốt. Đặc biệt, việc tập trung hoàn thiện một bước Báo cáo kết quả giám sát kết hợp với trình Quốc hội xem xét thông qua Dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 7 tới sẽ có ý nghĩa rất lớn.

202404230841200870_dsc_5879-hue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Đoàn giám sát cần chú ý làm rõ thêm vấn đề sản xuất, nhập khẩu, quản lý, đăng kiểm các phương tiện giao thông nói chung, trong đó đối với các phương tiện giao thông đường bộ tập trung nói thêm về vấn đề đăng kiểm gắn với xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí về khí phát thải; các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với kết cấu hạ tầng giao thông; đánh giá phân kỳ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, tiếp tục củng cố các căn cứ, cơ sở khoa học thực tiễn để đưa ra những kiến nghị, đề xuất hợp lý trong quản lý và tổ chức vận hành giao thông thông minh…

Trong đó, đối với tiêu chuẩn, tiêu chí về kết cấu hạ tầng giao thông và vấn đề phân kỳ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta phải "bóc ngắn cắn dài" vì nguồn lực không đủ nên phải phân kỳ đầu tư. Nhưng phân kỳ phải đảm bảo điều kiện tối thiểu về vận hành, khai thác và đảm bảo an toàn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông phụ thuộc ba yếu tố gồm ý thức của người tham gia giao thông và lực lượng thi hành chấp pháp; kết cấu hạ tầng giao thông; phương tiện tham gia giao thông. Do vậy, Đoàn giám sát cần nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện hơn ở các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy trên các phương diện về thể chế, thi hành chấp pháp, người tham gia giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông, qua đó, sẽ có so sánh, kiến nghị, đề xuất phù hợp hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị Đoàn giám sát đánh giá thêm về vấn đề ý thức của người tham gia giao thông.

“Ý thức của người tham gia giao thông cơ bản tốt, nhưng có một bộ phận người tham gia giao thông có ý thức rất kém, sẵn sàng vượt đèn đỏ, vi phạm. Không có gì ngạc nhiên khi vẫn là con người đó, nếu ra nước ngoài thì chấp hành rất tốt quy định trật tự an toàn giao thông ở nước ngoài, còn trong nước thì cứ vi phạm. Điều đó chứng tỏ hệ thống xử lý của chúng ta là không nghiêm” - bà Lê Thị Nga nêu ý kiến và đề nghị đưa giảng dạy về trật tự an toàn giao thông vào trường học từ sớm, để rèn luyện ý thức của người tham gia giao thông ngay từ nhỏ.

Bà Nga cũng đề nghị Đoàn giám sát đánh giá tiêu cực trong lĩnh vực TTATGT đường bộ hiện nay như thế nào. “Lâu nay, người dân rất phàn nàn về tiêu cực của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và đăng kiểm. Chúng tôi đề nghị trong lần giám sát này, cũng đánh giá liệu hiện nay còn tiêu cực trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông nữa không; đề nghị làm rõ để có giải pháp khắc phục” - bà Nga nói.

Cùng chuyên mục
Làm rõ quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với kết cấu hạ tầng giao thông