Phần lớn các vụ cháy do nguyên nhân chủ quan
Báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho biết, giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 ha rừng.
Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng.
Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%); do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%).
Toàn cảnh phiên họp sáng 13/11- Ảnh:quochoi.vn |
Đáng chú ý, theo Đoàn giám sát, lãnh đạo nhiều đơn vị, địa phương, người đứng đầu cơ sở chưa thật sự quan tâm, thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của mình về công tác PCCC; chưa gắn công tác này với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành, địa phương, đơn vị.
Chưa chủ động, thường xuyên thực hiện tốt chế độ tự kiểm tra, có nơi coi công tác kiểm tra về PCCC là của lực lượng Cảnh sát PCCC; chưa quan tâm đầu tư, trang bị và các điều kiện đảm bảo cho an toàn PCCC; công tác xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết…
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội nhất trí với nhiều nhận định, đánh giá và đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về PCCC, dẫn đến nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chỉ ra, bên cạnh những biểu hiện cực đoan của thời tiết là nguyên nhân khách quan, thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng, thì dường như tất cả đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người.
Đại biểu Cao Thị Xuân phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận- Ảnh: quochoi.vn |
Điều này cho thấy, không chỉ vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng còn hạn chế, yếu kém, mà vấn đề rất quan trọng là bảo đảm thực thi pháp luật PCCC đang đặt ra nhiều thách thức cần phải chấn chỉnh. Theo kết quả giám sát, còn 2.662 công trình nguy hiểm cháy nổ đã đưa vào sử dụng, nhưng chưa được thẩm duyệt, thiết kế, hoặc đã được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được đưa vào hoạt động, nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
“Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm tình trạng này, đặc biệt với các chung cư, nhà cao tầng khi đã đưa vào sử dụng thì bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu về PCCC theo đúng quy định”- đại biểu Xuân đề nghị.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cũng cho rằng, phần lớn các vụ cháy có nguyên nhân trực tiếp và ban đầu là nguyên nhân chủ quan. Vì vậy, cần phải tìm hiểu và xác định rõ hơn về các nguyên nhân sâu xa, cốt lõi của tình trạng cháy nổ.
“Vì sao cho đến nay đã gần 10 năm thực hiện Luật PCCC và nhiều văn bản dưới luật mà vẫn còn nhiều công trình có nguy cơ nguy hiểm về cháy nổ đã được đưa vào sử dụng mà chưa được thẩm duyệt thiết kế, hoặc thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy"- đại biểu Lý Tiết Hạnh nói và đề nghị Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội cần thống kê cụ thể danh sách và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có biện pháp khắc phục để xử lý dứt điểm những “quả bom nổ chậm” này.
Xử lý trách nhiệm quản lý nhà nước chưa tương xứng với tồn tại, vi phạm
Đánh giá về xử lý trách nhiệm quản lý nhà nước khi để xảy ra các vi phạm về PCCC, đại biểu Cao Thị Xuân cho rằng, công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác PCCC. Vì vậy, qua cuộc giám sát này, những lỗ hổng về nhận thức, khoảng trống trách nhiệm cần phải được quan tâm và có giải pháp lấp đầy.
“Trong Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát lần này, cần có hẳn một điều về tái giám sát, đặc biệt là trong thực thi công vụ trong PCCC. Chỉ có giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm minh mới khắc phục được những tồn tại như báo cáo đã nêu”- đại biểu nói.
Chung nhận định, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu: Cảm giác “xử lý không tương xứng với các đám cháy”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận- Ảnh: quochoi.vn |
Theo đại biểu Nhưỡng, việc truy cứu trách nhiệm các cơ sở sản xuất, các cá nhân, đơn vị để xảy ra cháy là hoàn toàn đúng nhưng cần siết chặt hơn. Không thể để cán bộ lãnh đạo địa phương, kể cả tập thể hay cá nhân, lại không có trách nhiệm gì khi xảy ra những vụ cháy lớn, nghiêm trọng trên địa bàn.
Đại biểu cũng đề nghị, trong Nghị quyết giám sát của Quốc hội nên bổ sung nội dung “kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu” bên cạnh việc đề cao trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), cũng cho rằng, đã đến lúc cần nhìn thẳng vào thực trạng phòng chống cháy nổ hiện nay, để thấy những lỗ hổng cần phải truy trách nhiệm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Đó là lỗ hổng trong những văn bản hướng dẫn; lỗ hổng trong thực hiện.. Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát PCCC cần làm rõ yêu cầu tăng cường giám sát, quản lý đối với một số loại hình, các địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao.
Đ. KHOA