Làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong phát triển năng lượng

(BKTO) - Chiều 27/07, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

270720230232-dsc_2764.jpg
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lồng ghép đưa các nội dung xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng để quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì (Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Quy hoạch và các Nghị định hướng dẫn, Nghị định về ODA và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan).

Các Luật và Nghị định này đã đưa ra các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, ưu tiên sử dụng vốn ODA đối với việc phát triển năng lượng, góp phần tạo điều kiện để phát triển năng lượng đồng bộ, cân đối và bền vững; góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế…

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, việc triển khai thực hiện chính sách thuế, phí, lệ phí liên quan đến phát triển năng lượng bảo đảm các mục tiêu bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển, sử dụng, sản xuất năng lượng sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường. Các chính sách thuế được quy định hợp lý hơn, đảm bảo an ninh năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng sạch.

Chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường đã góp phần hạn chế sử dụng các năng lượng không tái tạo, thúc đẩy tăng trường xanh, phát triển bền vững. Các chính sách liên quan đến giá năng lượng (điện, xăng dầu, than) được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu đề ra…

Đối với ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành năng lượng tiếp cận vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho mục đích sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn vốn tín dụng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho mục đích sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành năng lượng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh báo cáo, Ủy ban đã chỉ đạo các Tập đoàn thuộc lĩnh vực năng lượng (PVN, EVN, TKV, Petrolimex) xây dựng, triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển tuân theo định hướng phát triển, quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, Ủy ban cũng tích cực tham gia góp ý, lấy ý kiến, phối hợp với các Bộ ngành trong quá trình xây dựng quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn về phát triển năng lượng của các tập đoàn thuộc Ủy ban; hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan…

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 4 cơ quan có vị trí quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, giúp tham mưu các chiến lược liên quan đến nguồn lực cho lĩnh vực năng lượng quốc gia. Để hoàn thiện Báo cáo, các cơ quan cần tiếp tục bổ sung nội dung liên quan đến các tồn tại, yếu kém, khuyết điểm, trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt là các nguyên nhân khách quan, chủ quan của các vấn đề.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng quan tâm đến nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý chung về giá và dự trữ quốc gia đối với lĩnh vực năng lượng (xăng dầu, khí đốt…); điều chỉnh quy hoạch; thuế, phí; nợ xấu, rủi ro tín dụng, cân đối tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp đối với các dự án về năng lượng…

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các Bộ, cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát để hoàn thiện báo cáo, gửi đến Đoàn giám sát trước ngày 3/8 tới.

Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm rõ những bất cập, sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua đã được các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra phát hiện; chậm khắc phục sự cố của một số nhà máy điện, không đạt kế hoạch tái cơ cấu ở một số doanh nghiệp…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ việc chậm trễ trong phê duyệt các quy hoạch gây khó khăn nhất định trong thực hiện dự án đầu tư; chậm xử lý chồng chéo giữa quy hoạch điện lực và kế hoạch sử dụng đất; chưa huy động vốn ngoài nhà nước với các dự án đầu tư lưới điện; chú ý sử dụng vốn ODA trong điều kiện mới, phù hợp với các cam kết quốc tế, COP26…

Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát để báo cáo với cấp có thẩm quyền cân đối nguồn lực cho phát triển năng lượng; làm rõ bất cập, hạn chế trong cơ chế giá điện, chi phí sản xuất điện, những khó khăn và thách thức trong huy động ODA cho các dự án điện…

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp tháo gỡ những vướng mắc trong các cơ chế, chính sách về đầu tư công, tài sản công; đánh giá kỹ hơn nguồn huy động và khả năng huy động vốn cho thực hiện Quy hoạch điện VIII. Ngân hàng Nhà nước báo cáo bổ sung các giải pháp tín dụng dài hạn, phù hợp cho phát triển năng lượng, các dự án kéo dài, thua lỗ, thực hiện chuyển dịch năng lượng…

Cùng chuyên mục
  • Thu hút hợp tác công - tư: Từ chính sách đến thực tiễn
    9 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Là một trong các phương thức huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã và đang trở thành mô hình hợp tác có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước (NSNN). Bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động nguồn lực đầu tư PPP đang gặp nhiều trở ngại, cũng như quá trình triển khai dự án PPP còn nhiều bất cập, làm giảm hiệu quả đầu tư.
  • Thu hút nguồn lực, công nghệ đầu tư vào lĩnh vực y, dược
    9 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Hiện nay, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực y dược đã có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ... Do đó, Việt Nam cần có những cách tiếp cận mới nhằm thu hút tốt nguồn lực, công nghệ đầu tư vào lĩnh vực này.
  • Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị bố trí vốn đầu tư cho dự án lưới điện Côn Đảo
    9 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 25/7, tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất được cấp vốn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai dự án điện lưới ra Côn Đảo.
  • Không để chậm tiến độ, nhưng chất lượng là quan trọng nhất
    10 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi thăm, kiểm tra công trường mở rộng sân bay Điện Biên, sáng 20/7.
  • Giải ngân vốn đầu tư công có tín hiệu tích cực
    10 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 6 tăng gần 10% so với số giải ngân của 5 tháng trước đó nên tỷ lệ giải ngân 6 tháng ước đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là tín hiệu cho thấy việc giải ngân sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm.
Làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong phát triển năng lượng