Làm rõ trách nhiệm, kiến nghị các giải pháp để huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống dịch bệnh

(BKTO) - Trong hai ngày (13 -14/3), tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” làm việc với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan để làm rõ hơn một số nội dung giám sát.

130320231251-dsc_5287.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, đây chính là cuộc giám sát trực tiếp, vì vậy, các thành viên Đoàn giám sát và các Bộ, ngành cần xác định những vấn đề chưa rõ, nêu lên các bất cập, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới. Theo đó, trong ngày 13/3, Đoàn giám sát tập trung vào việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; ngày 14/3 tập trung giám sát nội dung về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua, các đoàn công tác của Đoàn giám sát đã thực hiện giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố. Qua giám sát cho thấy bức tranh về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; đồng thời phát hiện những vấn đề nổi lên, trong đó có nhiều nội dung được địa phương kiến nghị các Bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Đoàn giám sát nêu những vấn đề địa phương phản ánh, đề nghị đại diện các Bộ, ngành làm rõ, báo cáo bổ sung. Quá trình giám sát cũng cần nêu rõ những việc đã làm được để biểu dương, công việc chưa làm tốt, làm rõ trách nhiệm, kiến nghị các giải pháp để đưa vào nghị quyết giám sát, tạo điều kiện cho ngành y tế hoạt động tốt hơn và hiệu quả hơn, trong đó có việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch bệnh.

Tại buổi làm việc, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đại diện lãnh đạo các Bộ Y tế, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã báo cáo với Đoàn giám sát về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Báo cáo của các Bộ, ngành đã nêu thực trạng việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; những thuận lợi, khó khăn; kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, yếu kém trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; đề xuất các nhóm giải pháp, kiến nghị cụ thể.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao trách nhiệm, sự tích cực của các Bộ, ngành trong việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời đề nghị đại diện các Bộ, ngành tiếp tục làm rõ một số nội dung.

Liên quan đến việc huy động nguồn lực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh - thành viên Đoàn giám sát chỉ ra khó khăn của những địa phương chưa tự cân đối ngân sách nên thiếu chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với việc huy động nguồn lực xã hội hóa cũng bộc lộ nhiều bài học cần rút kinh nghiệm như chất lượng, nguồn gốc, giá trị, xác lập quyền sở hữu tài sản… Bà Phạm Thúy Chinh đề nghị trong báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội cần làm nổi bật nội dung này để báo cáo Quốc hội tôn vinh, biểu dương việc huy động đóng góp của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh.

Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo rõ hơn về việc thực hiện một số chính sách nêu trong Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội (cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và hỗ trợ 2% lãi suất ngân hàng), trong đó làm rõ hơn khó khăn, vướng mắc cụ thể...

Thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ hiệu quả của Chương trình Sóng và máy tính cho em; kết quả việc phủ sóng các “vùng lõm” về viễn thông vì có thực tế cấp máy tính bảng nhưng không có mạng internet để sử dụng.

Một số ý kiến thành viên Đoàn giám sát cũng băn khoăn về nguồn lực huy động trên 186 nghìn tỷ đồng từ tăng thu, tiết kiệm chi phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là rất lớn nhưng chưa báo cáo rõ việc chuyển nguồn đối với số tiền chưa sử dụng; đề nghị thống nhất số liệu kinh phí đã bố trí cho các địa phương, hiện vẫn có sự chênh lệch từ tổng hợp các địa phương với kết quả của kiểm toán; làm rõ tiến độ chi hỗ trợ cho lực lượng cán bộ y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch…/.

Cùng chuyên mục
Làm rõ trách nhiệm, kiến nghị các giải pháp để huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống dịch bệnh