Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì lễ đón Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher. Ngay sau lễ đón, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành hội đàm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher và các Thượng nghị sĩ Pháp thăm chính thức Việt Nam; nhấn mạnh, đây là hoạt động đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Pháp kể từ khi hai nước bắt đầu nối lại các hoạt động trao đổi trực tiếp sau đại dịch Covid-19, là sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước.
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước đang hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, là dịp để hai nước cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trong quan hệ song phương và đề ra những phương hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong thời gian tới.
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã mời thăm Việt Nam và cho biết, đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sau 18 năm của Chủ tịch Thượng viện Pháp và cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông đến một quốc gia châu Á kể từ khi được bầu làm Chủ tịch Thượng viện Pháp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Pháp, một trong những cường quốc hàng đầu ở châu Âu, có vai trò quan trọng ở khu vực và trên trường quốc tế; mong muốn làm sâu sắc và thực chất hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp trên tất cả các kênh chính đảng, Quốc hội/Nghị viện, Chính phủ, hợp tác địa phương và giao lưu văn hoá, giao lưu nhân dân.
Chủ tịch Thượng viện Pháp nêu rõ, hợp tác nghị viện giữa hai nước đã được thiết lập trong khuôn khổ Thoả thuận hợp tác giữa hai cơ quan được ký từ năm 2003. Cơ quan lập pháp hai nước đã trao đổi thường xuyên trong nhiều lĩnh vực và hiện nay có thể tăng cường hơn nữa đối với các lĩnh vực như: năng lượng, y tế, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lập pháp. Đây cũng là những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác của Thượng viện Pháp với Quốc hội Việt Nam.
Hai Chủ tịch đã trao đổi cởi mở về nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa hai nước và nhất trí cần tăng cường hơn nữa về: trao đổi Đoàn cấp cao và các cấp giữa hai nước và hai Quốc hội/Nghị viện; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội/Nghị viện hai nước, các nhóm nữ nghị sĩ, nghị sĩ trẻ; trao đổi kinh nghiệm trong việc sửa đổi các luật về dược, y tế, khám chữa bệnh; hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, trong đó xem xét vấn đề tăng số lượng học bổng của Pháp cho sinh viên Việt Nam.
Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác phi tập trung (hợp tác địa phương) giữa hai nước. Là cơ quan đại diện cho chính quyền các địa phương của Pháp, Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher nêu rõ, Thượng viện Pháp ủng hộ nhiệt thành vấn đề này, đây là trọng tâm ưu tiên của Thượng viện Pháp.
Năm 2023, Hội nghị các địa phương Việt Nam - Pháp sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội sau Hội nghị gần nhất được tổ chức tại Pháp năm 2019. Hiện có 55 dự án và hơn 20 địa phương của Pháp đã có hợp tác với hơn 30 tỉnh, thành của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội Việt Nam rất quan tâm và ủng hộ hợp tác giữa các địa phương hai nước trên cả phương diện chính quyền và cơ quan dân cử, cơ quan đại diện cho người dân địa phương. Trong dịp tổ chức Hội nghị hợp tác địa phương tại Hà Nội vào năm 2023, hai bên có thể xem xét tổ chức các hoạt động hợp tác giữa cơ quan dân cử địa phương.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với Pháp thông qua tăng cường trao đổi tiếp xúc với nhiều hình thức; tăng cường hơn nữa hợp tác trong trao đổi chiến lược theo cơ chế phù hợp; triển khai hiệu quả các thoả thuận hợp tác chuyên ngành đã ký; tiếp tục thúc đẩy các nội dung, lĩnh vực mới như về hợp tác trao đổi và bảo vệ thông tin mật, nghiên cứu về bệnh nhiệt đới, các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống, chuyển đổi số...
Đánh giá cao vai trò của Pháp trong triển khai Hiệp định Paris về chống biển đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ cắt giảm khí thải về Zero carbon, do đó, mong muốn tăng cường hợp tác với Pháp để thực hiện các mục tiêu này, nhất là trong chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Theo Chủ tịch Thượng viện Pháp, năng lượng là chủ đề được quan tâm tại Thượng viện Pháp, trong đó có vấn đề về năng lượng hạt nhân dân sự, kết nối các hệ thống năng lượng của các quốc gia... Pháp có kinh nghiệm lâu dài về phát triển năng lượng hạt nhân dân sự và mong muốn có nhiều nguồn năng lượng khác nhau để có thể tự chủ trong vấn đề này. Do đó, đây là nội dung hai nước có thể tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Về kinh tế, thương mại và đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, đây là lĩnh vực hợp tác quan trọng hai nước cần tập trung thúc đẩy, đặc biệt là trong bối cảnh sau đại dịch Covid -19. Chia sẻ các kết quả nổi bật của Việt Nam năm nay, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai nước chưa thực sự phát huy được cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Do đó, Việt Nam mong muốn Pháp gỡ bỏ các rào cản thương mại để tăng cường trao đổi thương mại thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới; khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng bởi đây cũng là một trong những yếu tố gây bất ổn đối với kinh tế khu vực và thế giới hiện nay. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ tịch Thượng viện Pháp quan tâm thúc đẩy vấn đề này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Pháp sớm phê duyệt Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU; ủng hộ, thúc đẩy Ủy ban châu Âu sớm gỡ thẻ vàng IUU với Việt Nam.
Chủ tịch Thượng viện Pháp cho biết, doanh nghiệp Pháp rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong bối cảnh EVFTA đang được triển khai thực hiện và Pháp là một trong những quốc gia rất ủng hộ phê chuẩn hiệp định này. Hai bên có thể trao đổi về các tiềm năng, khả năng thúc đẩy thực hiện EVFTA.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp, tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các dự án hợp tác giữa hai nước, trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 3, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. Quốc hội Việt Nam dự kiến cũng sẽ giám sát tối cao các dự án đầu tư công và đầu tư ODA để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Chủ tịch Thượng viện Pháp mong muốn, năm 2023, đoạn trên cao của tuyến Metro số 3 sẽ được đưa vào vận hành để phục vụ người dân vì đây cũng là biểu tượng về công nghệ, về kỹ thuật của Pháp.
Về hợp tác đa phương, hai Chủ tịch thống nhất cao về việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới để Pháp và Việt Nam cùng có vai trò mạnh mẽ hơn trong quyết định các vấn đề khu vực và thế giới.
Với những diễn biến của tình hình thế giới hiện nay, Chủ tịch Thượng viện Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của toàn vẹn lãnh thổ, việc tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hoà bình. Trong đó, bảo đảm quyền tự do thương mại và quyền tự do hàng hải là hết sức quan trọng bởi đây là nguyên tắc của luật pháp quốc tế và là yếu tố bảo đảm cho hòa bình./.