Lần đầu tiên ĐBSCL có một báo cáo kinh tế đầy đủ và toàn diện

(BKTO) - Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 lần đầu tiên được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam.




Quang cảnh lễ công bố. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Chiều 14/12, tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020.

Đây là công trình nghiên cứu được hợp tác bởi VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright sau hơn 1 năm triển khai thực hiện.

Tham dự lễ công bố có đại diện lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý các viện, trường đại học và lãnh đạo của 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 lần đầu tiên được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam dưới sự chủ trì, điều phối của VCCI và chịu trách nhiệm chuyên môn của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright.

Đây là Báo cáo nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước và Đồng bằng sông Cửu Long được chọn như là một sự điển hình về tính liên kết, sự nhất quán để hình thành một thiết chế vùng kinh tế trong tương lai.

Theo Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Cải cách Hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Báo cáo kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cả nước và trên thế giới. Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều nghị quyết, các chủ trương để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các chủ trương chính sách này vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân hạn chế chủ yếu là thiếu một định hướng phát triển vùng, quy chế điều phối đảm bảo sự phối hợp giữa các tỉnh trong vùng.

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc cũng cho biết Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 là báo cáo kinh tế vùng đầu tiên của Việt Nam và là báo cáo kinh tế vùng mang tính toàn diện, tổng thể và sâu sắc nhất đến giờ phút này ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc mong rằng trong thời gian tới, các bộ ban ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực sẽ tăng cường phối hợp và tiến tới thành lập một Hội đồng tư vấn Vùng để điều phối, tạo sự liên kết chặt chẽ giúp đưa cả vùng cùng phát triển.

Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững.”

Nội dung báo cáo bao gồm 5 chương, trong đó tập trung vào các vấn đề then chốt như: Tổng quan nền kinh tế Việt Nam; Nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long; Năng lực cạnh tranh của Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên phân tích tiềm năng điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của địa phương, của các cụm ngành thế mạnh và tiềm năng của vùng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và logistics.

Từ những phân tích trên, báo cáo tập trung bàn luận những hạn chế còn tồn tại, xác định các thách thức, cản trở sự phát triển của vùng, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách để tiếp cận trong thời gian tới.
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Cải cách Hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Báo cáo kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)
Kết quả báo cáo cho thấy vai trò kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước, đóng góp của Đồng bằng sông Cửu Long vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 3 thập kỷ qua giảm mạnh.

Nếu năm 1990, GDP của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ bằng 2/3 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì sau 2 thập niên, GDP của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng 2/3 GDP của Thành phố Hồ Chí Minh và kéo dài đến hiện tại.

Nguyên nhân chủ yếu được các chuyên gia đưa ra đó là do Đồng bằng sông Cửu Long được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, chỉ tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.

Di dân cũng là câu chuyện nhức nhối của Đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng di dân từ Đồng bằng sông Cửu Long lên thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ thời gian qua là đáng báo động.

Hiện Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nhập cư thấp nhất cả nước là 4,9% trong giai đoạn 2009-2019 và tỷ lệ di cư cao nhất 44,8%, làm cho dân số của vùng giảm.

Cơ cấu kinh tế của vùng giai đoạn 2009-2019 đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Tỷ trọng khu vực I đã giảm từ 39,6% năm 2010 xuống còn 28,3% trong năm 2019, nhanh hơn tốc độ dịch chuyển cơ cấu trong 2 thập niên trước đó.

Tương tự, cơ cấu công nghiệp-xây dựng và thương mại dịch vụ cũng đang thay đổi mạnh mẽ, ngày càng gần hơn với cơ cấu kinh tế của cả nước.

Báo cáo cũng cho thấy năng suất lao động của Đồng bằng sông Cửu Long là khá thấp do thiếu đầu tư của khu vực FDI, các hoạt động sản xuất công nghiệp còn trầm lắng do hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế.

Đồng bằng sông Cửu Long cũng là “vùng trũng” của cả nước về đô thị hóa. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng sau 10 năm chỉ tăng nhẹ từ 22,8% lên 25,1%, trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%...

Những kết luận được các chuyên gia rút ra từ nghiên cứu này là trong hơn 3 thập kỷ qua, mô hình kinh tế truyền thống tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp, số lượng thay vì chất lượng, manh mún hơn là tích tụ ruộng đất, phân mành thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng...

Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị mang tính tổng kết, đặc biệt là gợi ý mô hình phát triển mới cho kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long với 15 luận điểm được thiết lập, trong đó đáng lưu ý là: Mô hình phát triển mới của Đồng bằng sông Cửu Long phải được định hình từ chính thực trạng và phải đưa ra được lời giải cho những bài toán kinh tế-xã hội-môi trường nóng bỏng vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Thị trường hóa hoạt động nông nghiệp, công nghiệp hóa và công nghệ hóa nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng, dịch vụ hóa nông nghiệp để tăng cường chuyên môn hóa và cải thiện hiệu quả.

Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long cần thay thế các hệ thống thâm canh nông nghiệp (sản xuất lúa 3 vụ/năm) bằng các hệ thống canh tác hiệu quả và thân thiện với môi trường; Đồng bằng sông Cửu Long cần chuyển đổi thứ bậc cơ cấu từ lúa gạo-thủy sản-cây ăn trái sang thủy sản-trái cây-lúa gạo./.

Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Lần đầu tiên ĐBSCL có một báo cáo kinh tế đầy đủ và toàn diện