Trong thông báo ngày 07/5, NHNN cho biết: Hình thức đấu thầu theo giá. Khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tương tự như các phiên trước là 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng.
Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 85,3 triệu đồng/lượng, tăng mạnh so với mức giá tham chiếu đưa ra trong phiên 3/5 (82,9 triệu đồng/lượng).
Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng. Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).
Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu là 100 lượng. Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.
Trước đó, phiên đấu thầu vàng miếng ngày 03/5 đã bị hủy do chỉ có 1 đơn vị duy nhất nộp phiếu tham dự.
Đây là lần thứ năm NHNN thông báo tổ chức đấu thầu vàng miếng. Trước đó, trong 4 lần NHNN gọi thầu, có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. Lần duy nhất tổ chức thành công là hôm 23/4 cũng chỉ bán được 3.400 lượng vàng trên tổng số 16.800 lượng chào bán (tương đương 20%).
Động thái can thiệp của NHNN được kỳ vọng sẽ giúp tăng cung vàng trên thị trường và hạ nhiệt giá vàng. Tuy nhiên, sau một loạt phiên đấu thầu thất bại, giá vàng SJC đã tăng mạnh và liên tiếp thiết lập mức kỷ lục mới.
Theo NHNN, hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với cơ quan này. Trong đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
Lý giải một phần nguyên nhân khiến đấu thầu vàng chưa thành công, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, theo quy chế đấu thầu vàng hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu với số lượng ít hơn từ 400-1.000 lượng vàng thì không được nên họ phải đứng ngoài cuộc và chờ mua lại từ doanh nghiệp trúng thầu hoặc mua từ thị trường tự do.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, yêu cầu về khối lượng đấu thầu tối thiểu quá lớn, với 14 lô, tương đương 1.400 lượng vàng, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không thiết tha. Tổ chức thêm nhiều phiên đấu thầu nữa để cung ứng thêm vàng miếng ra thị trường phải hơn 10.000 lượng trở lên, lúc đó, giá vàng trong nước mới giảm chênh lệnh so với giá vàng thế giới.
Hiện nay, giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới 11 triệu đồng/lượng, nhưng qua đấu thầu, phải giảm khoảng cách này còn 6 triệu đồng/lượng là thành công.
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng - cho rằng, để đạt được mục đích trong việc tổ chức đấu thầu giá vàng, NHNN phải từng bước giảm mức giá tham chiếu đấu thầu để tiệm cận với giá vàng thế giới. Vì giá vàng tham chiếu trong các phiên đấu thầu còn cao./.