Bán cái thị trường cần
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của KHCN đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp, song đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, công nghệ về chế biến trong nông nghiệp đang là lỗ hổng đáng lo ngại để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp nêu dẫn chứng về thực trạng khoai tây Việt Nam càng trồng càng lỗ và không thể tham gia vào thị trường lớn vì thiếu khâu chế biến. Đơn cử như khoai tây cho nhà hàng, khách sạn, làm BBQ, phần lớn là nhập khẩu với giá ít nhất 50.000 đồng/kg. Trong khi nông dân trồng ra chỉ bán được vài nghìn đồng/kg.
“Nhỏ như con dao răng cưa để chế biến khoai tây mà chúng tôi tìm không ra suốt mấy tháng nay. Như thế làm sao chúng ta cạnh tranh được? Chúng tôi rất mong các nhà khoa học chủ động liên lạc với chúng tôi, để chúng ta đẩy mạnh khâu chế biến” - đại diện doanh nghiệp cho biết.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà - Tổng giám đốc Công ty San Hà - chia sẻ, thay vì phải mua 70.000 con giống hay gia súc, gia cầm từ nước ngoài, San Hà thực sự mong muốn nhà khoa học Việt Nam sản xuất được từ trong nước. Tuy nhiên, mua sản phẩm nước ngoài lại phụ thuộc vào nhà phân phối, đây là điều bất cập.
Do đó, các doanh nghiệp đều khẳng định sự cần thiết phải hình thành thị trường KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở đó, các cơ sở nghiên cứu cần nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, của người nông dân để nghiên cứu ra những sản phẩm có chất lượng.
Đây cũng chính là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh tại Diễn đàn kết nối các sản phẩm KHCN ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân diễn ra mới đây. Theo Bộ trưởng, thị trường KHCN là nơi gặp gỡ giữa cung - cầu mà ở đó, doanh nghiệp được quyền lựa chọn viện nghiên cứu và ngược lại. “Chúng ta phải đưa sản phẩm KHCN tiến dần thị trường cạnh tranh” - Bộ trưởng nói.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Viện nghiên cứu chỉ đứng một mình thì không hiểu thị trường, không thể chuyển giao đưa nghiên cứu vào sản xuất. Khâu này cần doanh nghiệp. “Nhà nước sẽ luôn đi sau doanh nghiệp trong vấn đề này. Doanh nghiệp chính là yếu tố giúp cho viện, cho nhà khoa học hiểu thị trường cần gì, nghiên cứu gì” - Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, các nhà khoa học và viện, trường cần hợp tác chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, hiểu rõ hơn nhu cầu của thị trường, từ đó định hướng nghiên cứu sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế.
Minh bạch trong hợp tác
Để hình thành nghiên cứu và đưa sản phẩm nghiên cứu vào thực tiễn, không thể thiếu vắng được doanh nghiệp. Tuy nhiên, một trong những rào cản đối với vấn đề này là nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn về cơ chế hợp tác trong ứng dụng, chuyển giao sản phẩm KHCN vào thực tiễn.
Bà Trần Kim Liên - Chủ tịch Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) - cho biết, từ năm 2006 đến nay, Vinaseed đã phối hợp với các viện nghiên cứu để chuyển giao sản phẩm KHCN vào sản xuất. Những giống này chiếm khoảng 50% cơ cấu doanh thu của Công ty.
Đại diện doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tiếp tục đồng hành với sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp, trong đó, đơn vị sẵn sàng đặt hàng, ứng dụng thành quả nghiên cứu vào sản xuất. Song việc tham gia nghiên cứu, hợp tác với các viện nghiên cứu phải được rõ ràng, minh bạch, rạch ròi về quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp trong quan hệ hợp tác.
Góp ý vào việc tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và các viện, trường, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị cần đẩy mạnh cơ chế đặt hàng giữa nghiên cứu và sản xuất, giữa doanh nghiệp và nhà khoa học nhưng để doanh nghiệp đặt hàng, các nhà khoa học phải có mẫu hàng để giới thiệu, phải làm thật, hay nói cách khác là thực sự minh bạch trong vấn đề hợp tác.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 3 năm (giai đoạn 2021 - 2023) đạt 3,35%/năm, trong khi giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 2,62%/năm. KHCN là khâu khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam có được kết quả này. Dự báo, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 có thể chạm mốc 60 tỷ USD.
Liên quan đến vấn đề hợp tác giữa cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng, Bộ NNPTNT đặc biệt quan tâm đến quan hệ hợp tác giữa các bên để sớm đưa ứng dụng nghiên cứu đến tay nông dân, hợp tác xã. Do đó, đối với những vướng mắc về cơ chế, chính sách, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi. Đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền thì kiến nghị sửa đổi, làm sao tạo ra được tiếng nói chung giữa Nhà nước, doanh nghiệp trong vấn đề này, vì mục tiêu chung là phát triển ngành nông nghiệp, để người nông dân bớt vất vả.
Từ góc độ cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, GS,TS. Võ Đại Hải - Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam - cho rằng, muốn kết nối sản phẩm KHCN tốt, cần phải có nhiều sản phẩm tốt, mới và phải phát huy tính chủ động giữa các bên.
“Doanh nghiệp tìm đến các nhà khoa học và ở chiều ngược lại, các nhà khoa học cũng cần tìm đến các doanh nghiệp để thúc đẩy KHCN. Trong hợp tác, liên kết chuyển giao KHCN cần đặt chữ “tín” lên hàng đầu” - ông Hải nhấn mạnh.