Lao động nữ di cư đang chịu nhiều thiệt thòi

(BKTO) - Đây là thông tin được công bố trong báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện.



Cụ thể, Báo cáo cho thấy di cư có xu hướng nữ hóa khi tỷ lệ nữ/ tổng số người di cư từ 15- 59 tuổi là 52,4%. Báo cáo cho biết, có 34,3% gặp khó khăn về việc làm, 42,6% nữ lao động di cư gặp khó khăn về chỗ ở, và 97,9% lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội.

Người di cư chủ yếu từ nông thôn (79,1% tổng số người di cư); 2/3 người di cư không có trình độ chuyên môn. Người di cư thường làm các công việc giản đơn, thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Đáng chú ý, dẫn nguồn của Tổng Cục thống kê năm 2015, báo cáo cho biết hơn 1/2 người di cư đã có gia đình và có con cái, trong đó có 40% đang sống cùng con tại nơi đến.

Theo báo cáo, lao động nữ di cư có hiểu biết hạn chế về các quyền và thông tin an sinh xã hội về việc làm và thu nhập, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và dịch vụ xã hội cơ bản. Điều này dẫn đến hệ quả, nhiềulao động nữ di cư cũng không biết cách làm thế nào để tiếp cận các quyền an sinh xã hội hay tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ để tiếp cận các quyền đó tại nơi đến. Họ cũng chịu bất lợi hơn khi chịu chi phí sinh hoạt cao hơn do chủ nhà trọ áp dụng giá điện, nước kinh doanh đối với người thuê.
                
   

Lao động nữ di cư phải chịu nhiều thiệt thòi và là nhóm lao động dễ tổn thương trong xã hội -Ảnh: Hà Phương

   
Báo cáo cũng chỉ ra, kinh tế của lao động nữ di cư đa số gặp khó khăn do mức lương hiện nay họ nhận được chỉ vừa đủ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, không có tiền tiết kiệm. Vì vậy, đây là nhóm dễ bị tổn thương, họ cần được mạng lưới an sinh xã hội của Nhà nước bảo vệ để tránh khỏi các rủi ro mà công việc và cuộc sống mang lại tại nơi đến.

Báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách để đảm bảo quyền an sinh xã hội cho lao động nữ di cư; tiếp tục phát huy vai trò của các bên liên quan trong việc hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong tiếp cận các dịch vụ xã hội bình đẳng, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương nơi có nhiều lao động nữ di cư đến sinh sống và làm việc cũng như tăng cường công tác thống kê về người lao động di cư để có dữ liệu nhận diện và quản lý người lao động di cư.

“Chúng tôi mong rằng kết quả nghiên cứu sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách và chính quyền địa phương có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về tình trạng đời sống và vấn đề phúc lợi xã hội của nhóm lao động nữ di cư, từ đó nhằm đưa ra và cải thiện chính sách cũng như phân bổ ngân sách một cách hợp lý hơn” - ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý AFV cho biết.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Lao động nữ di cư đang chịu nhiều thiệt thòi