Chương trình LEADER chưa thực sự hiệu quả
Chương trình phát triển địa phương do Liên minh châu Âu (EU) xây dựng nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng địa phương, hợp tác, hoạt động có ý nghĩa và bền vững nhằm cải thiện điều kiện sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn, ven biển.
Thông qua cuộc kiểm toán này, SAO muốn khuyến khích người dân quan tâm hơn đến các cơ hội do LEADER mang lại. Người dân có thể tham gia thực hiện chiến lược phát triển địa phương như xác định nhu cầu và ưu tiên của lãnh thổ, triển khai dự án, đánh giá kết quả hoạt động của các nhóm hành động địa phương (LAG), từ đó tham gia phát triển địa phương thiết thực và có mục đích hơn.
Trong giai đoạn 2014 - 2020, khoảng 126 triệu euro đã được phân bổ từ Quỹ Nông nghiệp, Phát triển nông thôn châu Âu (EAFRD) và Quỹ Hàng hải, Thủy sản châu Âu (EMFF) cho chương trình LEADER ở Latvia. Trong đó 13,4 triệu euro để đảm bảo hoạt động của các LAG và khuyến khích sự tham gia của công dân. Nguồn vốn được phân bổ từ các quỹ này cho giai đoạn từ 2023 - 2027 là 101 triệu euro.
Trong quá trình kiểm toán, SAO nhận thấy cách tiếp cận các LAG có sự khác biệt đáng kể và kết quả đạt được cũng không đồng nhất. Trong chương trình LEADER, các dự án có quy mô và phạm vi rất khác nhau. Theo nguồn tài trợ của EU, số tiền của dự án nhỏ nhất là 294 euro và dự án lớn nhất là 585.000 euro. Cả chính quyền địa phương, khu vực cũng như các doanh nghiệp và người dân đều nhận được sự hỗ trợ để tổ chức và cải thiện cơ sở hạ tầng, để thực hiện các sáng kiến khác nhau. Tuy nhiên, khả năng hỗ trợ của LEADER chưa hiệu quả, chưa tạo ra các đổi mới.
Báo cáo chỉ ra rằng, hoạt động giữa 35 LAG ở Latvia không đồng đều. Theo SAO, Bộ Nông nghiệp cần đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ LAG hoạt động có phương pháp, thúc đẩy họ hành động tích cực hơn trong việc thu hút người dân tham gia.
SAO cho rằng, việc phân tích kết quả đạt được trong việc thực hiện chương trình LEADER là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Nông nghiệp. Bộ có quyền truy cập vào các chiến lược LAG, có trách nhiệm báo cáo về kết quả hoạt động của LAG, giúp nâng cao hiệu quả của phương pháp LEADER phù hợp ở Latvia. Tuy nhiên đến nay, Bộ vẫn chưa thực hiện được những nhiệm vụ này.
Cần nâng cao nhận thức của công chúng
Cuộc kiểm toán cho thấy, nguồn vốn LEADER phần lớn được phân bổ cho các dự án do chính quyền địa phương và khu vực thực hiện. Trong quá trình thực hiện các sáng kiến phát triển địa phương, nguồn tài trợ rất lớn, từ 55% đến 77% đã được phân bổ cho các LAG. Trong khuôn khổ Quỹ EMFF, số tiền tài trợ còn nhiều hơn. Theo SAO, việc cấp số tiền lớn tài trợ cho chính quyền địa phương và khu vực không được coi là một thông lệ tốt. Bởi điều này làm giảm vai trò của LEADER và LAG khi quản lý các dự án, giảm chức năng của chính quyền địa phương và khu vực.
Mặc dù các hoạt động trong LEADER đã được thực hiện ở Latvia hơn 20 năm nhưng dữ liệu từ một cuộc khảo sát xã hội học do SAO ủy quyền cho thấy, chỉ 28% số người được hỏi biết về chương trình này. Do đó, việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của LAG, cho sự tham gia của người dân, đồng thời tăng cường tính chuyên nghiệp của LAG là rất quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của LEADER trong sự phát triển của cộng đồng địa phương.
SAO đã đưa ra 8 khuyến nghị, trong đó kêu gọi Bộ Nông nghiệp cải thiện các hoạt động hỗ trợ về mặt phương pháp cho LAG, cải thiện việc đánh giá tình hình như thu thập, phân tích dữ liệu và sử dụng chúng trong việc ra quyết định.
Đồng thời, SAO kêu gọi LAG triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và sự tham gia của người dân nhiều hơn, cũng như đảm bảo tính minh bạch và cởi mở hơn trong các hoạt động, nhằm củng cố niềm tin của công chúng.
Trong giai đoạn xây dựng chương trình mới, các hình thức tham gia mới của người dân cũng sẽ là thách thức lớn đối với LAG. Do đó, để cân nhắc các cơ hội do LEADER mang lại, SAO đề nghị Bộ Nông nghiệp hợp tác tích cực hơn với Bộ Bảo vệ môi trường và Phát triển khu vực để phát huy năng lực của các LAG.
Thời hạn thực hiện các khuyến nghị trên của SAO là giữa năm 2026./.
(Theo SAO và tổng hợp)