Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các SDG thể hiện một kế hoạch hành động vì sự phát triển ổn định, thịnh vượng của toàn thế giới; với 17 SDG về xã hội, kinh tế và môi trường cần đạt được vào năm 2030, được cụ thể hóa bằng 169 mục tiêu.
Có thể nói, kiểm toán các SDG đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và sự tiến bộ hướng tới phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, CAAF đưa ra 10 lời khuyên khi thực hiện kiểm toán SDG.
Thứ nhất, CAAF nhấn mạnh, cần xem xét mức độ có thể tích hợp SDG vào quá trình kiểm toán theo 3 cấp độ.
Cấp độ 1: một cuộc kiểm toán SDG toàn diện sẽ tích hợp 4 yếu tố (kiểm toán nỗ lực của chính phủ về mức độ gắn kết và tích hợp khi thực hiện mục tiêu quốc gia; kiểm toán việc thu hút sự tham gia của các bên liên quan; kiểm toán việc thiết kế và thực hiện các chính sách; kiểm toán nỗ lực của chính phủ nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau) và thực hiện theo phương pháp của Cơ quan Sáng kiến phát triển của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (IDI-INTOSAI).
Cấp độ 2: SDG có thể được tích hợp ở cấp độ thấp hơn, với 1, 2 hoặc 3 trong số 4 yếu tố trên.
Cấp độ 3: SDG có thể được tham chiếu trong báo cáo kiểm toán bằng cách xác định mối liên kết với SDG. Ở cấp độ này, kiểm toán hoạt động không được phân loại là “kiểm toán SDG” vì không có 4 yếu tố trên được tích hợp vào cuộc kiểm toán, nhưng sẽ giúp nâng cao nhận thức về SDG và mối liên hệ của chúng với đối tượng kiểm toán.
Thứ hai, CAAF cho rằng, các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) cần bắt tay vào tiến hành kiểm toán SDG càng sớm càng tốt. Liên hợp quốc đã cảnh báo từ năm 2019 rằng, nhiều nước trên thế giới không đi đúng hướng hoặc chậm chạp để đạt được các SDG. Một cuộc kiểm toán xác định những lỗ hổng trong quá trình chuẩn bị và khuôn khổ có thể giúp các chính phủ nhanh chóng có động thái phù hợp.
Thứ ba, sử dụng các cấu trúc và hệ thống hiện có. Thay vì xem xét riêng rẽ các SDG, theo CAAF, cần đưa SDG vào các quy trình, phương pháp và biểu mẫu hiện có.
Thứ tư, cần bổ sung nội dung SDG vào quá trình lựa chọn chủ đề kiểm toán và lập kế hoạch. Các SAI cần kết hợp xem xét nhiều yếu tố khi lập kế hoạch kiểm toán hàng năm như khả năng kiểm toán, giá trị gia tăng, rủi ro, tính trọng yếu về tài chính, lợi ích công...
Nội dung SDG cũng cần xem xét đến các yếu tố trên. Trong quá trình đánh giá rủi ro, cần xem xét tiến độ thực hiện các SDG hoặc việc lồng ghép khái niệm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong thiết kế chương trình; cần xem xét sự sẵn có của số liệu thống kê liên quan; cần đảm bảo đề cập đến các lĩnh vực môi trường, xã hội và kinh tế khi lựa chọn chủ đề kiểm toán.
Thứ năm, cần quản lý phạm vi kiểm toán. Kiểm toán viên đôi khi có phạm vi kiểm toán SDG rất rộng. Do đó, nên giới hạn phạm vi kiểm toán ở một hoặc một vài mục tiêu SDG hoặc giới hạn đơn vị được kiểm toán dựa trên sự phân tích của các bên liên quan.
Thứ sáu, Chương trình nghị sự 2030 bao gồm cam kết đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”. Nhiều cơ quan kiểm toán đã xem xét sự công bằng, tính đa dạng, sự hòa nhập khi cân nhắc phạm vi kiểm toán và đánh giá các chương trình có được thiết kế phù hợp với nhu cầu của những đối tượng dễ bị tổn thương không. CAAF cho rằng, đây là một trong 4 yếu tố của cuộc kiểm toán SDG, khi đạt được yếu tố này, các SAI đã đi được 25% chặng đường.
Thứ bảy, tham khảo các cuộc kiểm toán SDG khác. Việc xem xét các cuộc kiểm toán SDG sẽ giúp kiểm toán viên nhìn ra các vấn đề, thiếu sót về mặt chính sách, cơ cấu và khung dữ liệu... Tập trung tham khảo những vấn đề này có thể giúp kiểm toán viên tiết kiệm nhiều thời gian.
Thứ tám, CAAF cho rằng, các SDG có thể được điều chỉnh cho phù hợp hơn. Có một quan niệm sai lầm phổ biến là các quốc gia cần áp dụng các biện pháp giống nhau đối với các mục tiêu toàn cầu. Điều này không đúng, các SDG cần được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh từng quốc gia, khu vực. Quá trình thực hiện kiểm toán SDG cũng cần linh hoạt hơn.
Thứ chín, CAAF nhấn mạnh vai trò của dữ liệu. Chỉ khi dữ liệu được thu thập, đo lường và giám sát mới có thể đạt được các SDG. Cần chú ý đến vai trò của các cơ quan thống kê, thúc đẩy sự tham gia của họ vào việc thu thập, duy trì, đo lường và báo cáo dữ liệu để hỗ trợ đạt được các mục tiêu.
Thứ mười, CAAF cho biết, ngày càng có nhiều chuẩn mực bền vững mới được ban hành, khi những chuẩn mực này được thông qua, các công bố thông tin liên quan đến khí hậu và tính bền vững sẽ là một phần của công bố thông tin trên báo cáo tài chính. Do đó, các SAI cần đẩy mạnh trao đổi với các kiểm toán viên về báo cáo tài chính./.
(Theo CAAF)