Đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đến ngày 15/3/2023
Trình bày Tờ trình về việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân là nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Luật. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật…
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua các hình thức: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan thông tấn báo chí; điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động của các chính sách trong Dự thảo Luật và các hình thức khác phù hợp.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/01 đến hết ngày 28/02/2023.
Báo cáo một số ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, bảo đảm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung Dự thảo Luật, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi).
Về nội dung lấy ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc cung cấp các báo cáo có liên quan như: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… để nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến về Dự thảo Luật.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, lựa chọn những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, làm rõ các loại ý kiến, ưu điểm, hạn chế của từng loại ý kiến, tạo cơ sở để nhân dân xem xét, góp ý.
Liên quan đến thời gian lấy ý kiến nhân dân, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện có 02 loại ý kiến khác nhau, 100% ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ hai - đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 15/3/2023. Đồng thời đề nghị UBTVQH tổ chức một phiên họp riêng về Dự án Luật vào thời điểm sau ngày 20/4/2023.
Đảm bảo thực chất, hiệu quả, tránh hình thức
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản thống nhất về mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình.
UBTVQH đề nghị Chính phủ xác định đây là nội dung công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, đảm bảo tính khả thi của Luật khi áp dụng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, thực tế có ít luật tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi mà chỉ những dự án lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai… Do đó, cần làm rõ việc lấy ý kiến nhân dân khác với việc lấy ý kiến đối tượng tác động theo quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, tinh thần là “mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm” thì nội hàm “nhân dân” trong lấy ý kiến nhân dân được xác định như thế nào? là những ai? Đây là nội dung cần được làm rõ. Đồng thời, cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả, tránh hình thức…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận xét, cách triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo Tờ trình vẫn được tiến hành theo cách cũ nên hình thức và tính khả thi sẽ không cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, việc lấy ý kiến cần đủ các nhóm đối tượng bao phủ hết các hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp, tổ chức kinh tế; các chuyên gia, các nhà khoa học; các cơ quan nhà nước...
“Kế hoạch của Chính phủ cần cụ thể thêm về đối tượng, địa bàn, nội dung, hình thức, trách nhiệm tổ chức báo cáo, giao cho Chính phủ hướng dẫn, báo cáo để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh hình thức” - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân được dư luận xã hội quan tâm; đề nghị Chính phủ rà soát các vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân để tập trung vào những nội dung cần thiết, phù hợp.
UBTVQH cũng thống nhất về thời gian lấy ý kiến nhân dân từ ngày 30/01 đến hết ngày 15/3/2023.
Tại phiên họp, 100% thành viên UBTVQH có mặt biểu quyết nhất trí thông qua các nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến UBTVQH trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành./.