Lấy ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015

(BKTO) - Chiều 20/02, tại Hà Nội, KTNN tổ chức Hội thảo về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015. Tại Hội thảo, với tinh thần khoa học và tôn trọng kinh nghiệm thực tiễn, dưới các góc nhìn khác nhau, các chuyên gia, các đại biểu đã tập trung bàn thảo, làm rõ một số vấn đề chủ yếu cần tập trung sửa đổi trong Luật KTNN năm 2015, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN.




Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Lê Hòa
Tham dự Hội thảo có các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành của 31 địa phương; đại diện các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức T.Ư, Văn phòng Chính phủ; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; đại diện các trường đại học, các viện nghiên cứu; các tập đoàn, tổng công ty; các chuyên gia, các nhà khoa học.

Về phía KTNN, tham dự Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN; các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015.

Hội thảo diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản và Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN) Vũ Thanh Hải.

Quy định cụ thể hơn vềđối tượng kiểm toán củaKiểm toán Nhà nước

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ một số nội dung chủ yếu về quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015, đồng thời đề nghị hội thảo tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề chủ yếu. Cụ thể là, làm rõ đơn vị được kiểm toán bảo đảm bao quát, phù hợp đối tượng kiểm toán của KTNN theo Hiến pháp, Luật KTNN năm 2015, Luật NSNN năm 2015 (nhất là lĩnh vực kiểm toán thuế, lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, công nghệ thông tin,...); xem xét mối quan hệ phối hợp, phạm vi thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức; bảo đảm hạn chế tối đa sự trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN; nghiên cứu quy định chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; rà soát và quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong phòng, chống tham nhũng (PCTN), giám định tư pháp… bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa các luật liên quan; quy định rõ nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, kiểm toán viên nhà nước.

Với tinh thần đó, tại Hội thảo, qua 4 bài tham luận và 5 ý kiến phát biểu trực tiếp, các đại biểu đã đi sâu thảo luận về các nội dung, sửa đổi bổ sung của Dự án Luật.

Đối với quy định về đơn vị được kiểm toán, nhiều ý kiến tại Hội thảo đã đưa ra các lập luận và khẳng định với quan điểm ở đâu có tài chính công, tài sản công thì việc quản lý, sử dụng phải được kiểm toán. Do vậy, cần quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán của KTNN, bảo đảm bao quát và phù hợp với đối tượng kiểm toán của KTNN đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật KTNN năm 2015, Luật NSNN năm 2015, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay khi tiến hành các hoạt động kiểm toán về thu, nộp ngân sách, kiểm toán trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản... Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: KTNN không đề xuất mở rộng đơn vị được kiểm toán mà đề nghị quy định cụ thể để bảo đảm phù hợp với đối tượng kiểm toán của KTNN theo Hiến pháp và thực hiện hoạt động kiểm toán thuận lợi.

Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng vàgiám định tư pháp

Đề cập đến vai trò, trách nhiệm của KTNN trong PCTN, ThS. Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - nêu rõ, Luật PCTN mới được Quốc hội thông qua (tháng 11/2018) đã giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho KTNN trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, một số nội dung được quy định mới hoặc được sửa đổi, bổ sung trong Luật PCTN chưa được đề cập trong Luật KTNN, do đó, những nội dung này cần được bổ sung trong Luật KTNN để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Theo đó, Luật KTNN cần cân nhắc việc sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, hoạt động của KTNN để thực hiện trách nhiệm phòng ngừa tham nhũng trong hệ thống KTNN; sửa đổi các quy định về thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước bảo đảm thống nhất với Luật PCTN; sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục kiểm toán để thực hiện trách nhiệm của KTNN trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về KTNN, theo ThS. Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), Điều 71 Luật KTNN quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán nhà nước thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, trên thực tế, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước xảy ra khá nhiều và mang tính đặc thù cao, nhưng đến nay, hệ thống pháp luật về KTNN lại thiếu những quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm, trong đó có chế tài xử phạt vi phạm hành chính cũng như mức phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực này, làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN. Để giải quyết vướng mắc này, ông Sơn kiến nghị KTNN rà soát, nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để làm căn cứ cho việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Cụ thể là, đề xuất Quốc hội tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật KTNN, trong đó, Luật KTNN cần bổ sung thẩm quyền xử lý các vi phạm của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước và các chức danh thuộc KTNN…

Tham luận về vấn đề giám định tư pháp về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công liên quan đến KTNN nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu giải quyết án tham nhũng, kinh tế, bà Nguyễn Thị Thụy - Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) - cho rằng, với tư cách “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” KTNN có vị trí độc lập khi thực hiện giám định tư pháp những vụ việc có liên quan đến quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ ở các lĩnh vực. Điều này góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy giải quyết có hiệu quả hơn các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là khi cần phải có cơ quan chuyên môn làm giám định tư pháp độc lập với các Bộ, ngành chuyên môn.

Bên cạnh đó, tại Hội thảo, các đại biểu cũng đề cập đến trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra và hoạt động kiểm toán; đồng thời đề nghị Ban Soạn thảo Dự án Luật rà soát, xem xét nhằm đảm bảo sự phù hợp, thống nhất quy định giữa các điều khoản trong Dự thảo Luật; đảm bảo sự tương thích giữa các quy định trong Dự thảo Luật với các luật hiện hành...

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đánh giá cao chất lượng nội dung các bài tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: KTNN sẽ nghiêm túc ghi nhận và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, đây là cơ sở, nền tảng quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để KTNN tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, bảo đảm đưa ra những kiến nghị, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 hiệu quả, chất lượng, đáp ứng tiến độ của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
         
   
Ông Nguyễn Việt Hà - Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội:
   Sở Tài chính TP. Hà Nội thống nhất cao với việc bổ sung thêm đối tượng được kiểm toán là người nộp thuế. Hiện nay, theo đánh giá của KTNN, cơ quan thuế mới chỉ hậu kiểm được 18% số DN nộp thuế, đạt mức tối thiểu mà ngành thuế phải thực hiện hậu kiểm do lực lượng cán bộ còn hạn chế và quy định của pháp luật hiện hành quy định người nộp thuế phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm. Qua công tác kiểm toán trên địa bàn TP. Hà Nội, KTNN khu vực I đã phát hiện và kiến nghị thu nộp bổ sung NSNN nhiều tỷ đồng do các DN kê khai thuế không chính xác. Vì vậy, việc KTNN thực hiện kiểm toán trực tiếp đối với người nộp thuế sẽ tăng cường được công tác hậu kiểm đối với công tác thuế, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật và chống thất thu cho NSNN.
HỒNG HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 08 ra ngày 21-02-2019
Cùng chuyên mục
Lấy ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015