Hàng loạt vi phạm trongđào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ
Sự việc Trường ĐH Đông Đô đào tạo “chui”, gian lận trong việc đào tạo, cấp văn bằng 2 mới đây đã bị cơ quan điều tra, Bộ Công an phát hiện và vào cuộc xử lý đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Các học viên đăng ký học văn bằng 2 tại Trường không phải học mà vẫn được thi, cấp bằng tốt nghiệp chỉ sau 3 - 6 tháng. Kết quả điều tra đến nay xác định, có tới gần 5.000 người đã, đang theo học văn bằng 2 theo kiểu đi mua tại ĐH Đông Đô. Tổng số tiền thu được từ việc gian lận trong đào tạo, cấp bằng tại cơ sở này lên tới cả trăm tỷ đồng.
Đáng chú ý, từ trước đó, một số thông tin liên quan đến nghi vấn trường ĐH Đông Đô đào tạo chui văn bằng 2 cũng đã được người học, báo chí phản ánh, song Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vẫn giữ thái độ im lặng khó hiểu. Chỉ đến khi cơ quan công an vào cuộc điều tra, phát hiện vi phạm thì ngày 17/8, Bộ GD&ĐT mới phát đi Thông cáo báo chí về vụ việc. Trong đó, Bộ khẳng định chưa cho phép Trường này đào tạo văn bằng 2. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan quản lý cao nhất về GD&ĐT, trực tiếp quản lý các trường ĐH, Bộ GD&ĐT không thể trốn tránh trách nhiệm. Đặc biệt, khi mà cơ sở đào tạo này công khai tuyển sinh văn bằng 2 đối với nhiều ngành chưa được cấp phép. Đơn cử như trong năm 2017, Trường này còn công khai tuyển sinh đến 17 ngành đào tạo văn bằng 2.
Tình trạng vi phạm trong việc đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ thời gian qua diễn ra tương đối phổ biến. Tuy nhiên, vai trò quản lý, kiểm soát chất lượng của cơ quan quản lý khá mờ nhạt. Trước đó, sự việc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức thi, cấp chứng chỉ “chui” bị phát hiện khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, cũng phải đến khi học viên, báo chí phản ánh, Bộ GD&ĐT mới vào cuộc và tiến hành kiểm tra việc thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại cơ sở đào tạo này. Tương tự, tại Trường ĐH quốc tế Bắc Hà, sau khi có phản ánh về tiêu cực trong tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, Bộ GD&ĐT đã vào cuộc và buộc dừng toàn bộ việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ của Trường từ ngày 15/8.
Lỗ hổng từ sự thiếu công khai, minh bạch
Nói về vai trò của cơ quan quản lý trong việc quản lý đào tạo, cấp bằng của các cơ sở đào tạo, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - cho biết, các điều kiện tổ chức đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ được Bộ GD&ĐT quy định khá chặt chẽ. Các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý, cấp phát văn bằng của mình. Bộ GD&ĐT với chức năng quản lý nhà nước về GD&ĐT định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm báo cáo trung thực, định kỳ về hoạt động đào tạo, cấp văn bằng theo quy định...
Tuy nhiên, những vụ việc tiêu cực trong đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy, đang tồn tại lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý. Trong đó, vai trò giám sát của Bộ GD&ĐT, các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn rất lỏng lẻo, bị động và thiếu minh bạch.
TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đặt nghi vấn, tại sao Trường ĐH Đông Đô lại có thể tuyển sinh và đào tạo “chui” văn bằng 2 rất nhiều ngành trong một thời gian khá lâu như vậy? Trong khi hằng năm, Bộ vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể từng nhóm ngành đào tạo. Một trong những nguyên nhân là do Bộ thiếu trách nhiệm kiểm tra, rà soát thường xuyên để kiểm soát số lượng phôi bằng cấp cho Trường. Mặt khác, việc công khai các trường được đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của Bộ GD&ĐT cũng chưa được thể hiện, hoặc công khai mang tính hình thức. “Tức là công khai thông tin, nhưng các thông tin đó rất chung chung, không thể sử dụng để đánh giá, giám sát” - TS. Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Theo PGS,TS. Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam, sự phản ứng chậm chạp, thụ động của cơ quan quản lý như Bộ GD&ĐT trước những sự việc như vừa qua cũng cho thấy năng lực tiếp cận, giải quyết vấn đề của Bộ cần được cải thiện. Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực xây dựng bộ máy hành chính hướng đến người dân, đề cao yếu tố phòng ngừa, chủ động cung cấp thông tin thì sự chậm trễ của Bộ GD&ĐT vừa qua đã kéo lùi những nỗ lực cải cách chung của bộ máy hành chính.
Sau những sự việc vừa qua, câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là trên cả nước hiện có bao nhiêu trường được đào tạo văn bằng 2, chứng chỉ? Công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đào tạo này thời gian qua ra sao và các trường có vi phạm đã bị xử lý đến đâu... đều cần phải được Bộ GD&ĐT công khai, đảm bảo tính minh bạch để thuận tiện cho công tác giám sát của xã hội. Bởi lẽ, đây là những vấn đề được thể hiện rất rõ trong các văn bản pháp luật do Bộ GD&ĐT ban hành. Nhưng trên hết, việc công khai còn đảm bảo cho quyền lợi của người học, vì họ cần được biết rõ về cơ sở đào tạo mà mình quan tâm, thay vì chỉ được tiếp cận một chiều thông tin từ nhà trường.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 22/8/2019