Lọc hóa dầu Bình Sơn: Thời điểm “vàng” để IPO

(BKTO) - “Chúng tôi đã sẵn sàng cho IPO”, đó là khẳng định của Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị điều hành Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất - đưa ra với báo giới vào giữa tháng 12/2017. Với tổng tài sản lên đến 3,2 tỷ USD, BSR trở thành DNNN có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.



Sẽ IPO vào giữa tháng 01/2018

Ngày 08/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa BSR với vốn điều lệ hơn 31 nghìn tỷ đồng. Theo đó, cổ phần mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ tại BSR chiếm 43% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong DN chiếm 0,21%, cổ phần bán đấu giá công khai chiếm 7,79% và cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược chiếm 49% vốn điều lệ. Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ.

Ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng Giám đốc BSR - cho biết: “Dự kiến, vào ngày 17/01/2018, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, BSR sẽ bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (IPO) 7,78% vốn điều lệ, tương đương 242 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu. Theo tính toán, lần IPO này sẽ thu về cho Nhà nước khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn tiếp theo, BSR sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược 49%, tương đương hơn 1.500 triệu cổ phiếu, thu về cho Nhà nước gần 1 tỷ USD”.

NMLD Dung Quất đã đạt và vượt tất cả kế hoạch chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2017. Ảnh: HỒNG THOAN

Ngay sau thông tin này, rất nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi: “Vì sao giá cổ phiếu của BSR khi IPO lại được định giá thấp như vậy?”. Ông Nguyên lý giải: các chuyên gia tư vấn và BSR đã xác định giá trị DN trước cổ phần hóa theo phương pháp tài sản. Do đó, với tổng tài sản 3,2 tỷ USD, tương đương 45.000 tỷ đồng, chia cho giá trị sổ sách là 31.000 tỷ đồng được tỷ lệ 1,46. Khi nhân tỷ lệ này với mệnh giá 10.000 đồng thì giá khởi điểm được xác định là 14.600 đồng/cổ phiếu. Giá khởi điểm này rất hấp dẫn nhà đầu tư. Giá bán chính thức sẽ phụ thuộc vào kết quả đấu giá.

Một vấn đề nữa được báo giới quan tâm là cổ phiếu của BSR liệu có hấp dẫn được nhà đầu tư ngoại như kỳ vọng hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyên cho biết, sau khi gửi thư mời, BSR đã nhận được phản hồi và làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác đều là các tập đoàn lớn muốn trở thành các nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, 2 công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép ở mức 49%, gồm World Petro (Mỹ) và Macron Petro Petroleum (châu Phi)… Như vậy, BSR hoàn toàn không lo cổ phiếu dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược bị “ế”.

Trong tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Năng lượng Repsol (Tây Ban Nha) cũng đã đến tìm hiểu cơ hội và thể hiện rõ mong muốn không chỉ sở hữu cổ phần tại BSR mà còn tham gia sâu hơn vào công tác quản trị, điều hành, thương mại, mua bán dầu thô của NMLD Dung Quất. Tiếp theo, nhiều đối tác như Tập đoàn Petroleum (Brunei), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Indonesia và SRC (Singapore) cũng đã tới tham quan, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư mua cổ phần. Trước đó, một số tập đoàn dầu khí lớn như Rosneft (Nga), SK (Hàn Quốc), PTT (Thái Lan)… cũng đã “đánh tiếng” mua cổ phần.

“Đặc biệt, bên cạnh các đối tác nước ngoài, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua việc mua cổ phần của BSR và ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất” - ông Nguyên chia sẻ.

Lựa chọn đúngthời điểm “vàng”

Đối với BSR, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược mới là quan trọng. Vì vậy, trong đợt IPO tới, BSR tính toán kỹ lưỡng khả năng hấp thụ của thị trường và xác định không tung ra quá nhiều. Đề cập đến số tiền thu được từ IPO, lãnh đạo BSR cho biết sẽ chuyển 100% về Quỹ sắp xếp, đổi mới DNNN.

Liên quan đến thời điểm IPO, có ý kiến nhận định BSR đã chọn được thời điểm “vàng”. Bởi tính đến thời điểm này, BSR đã đạt và vượt tất cả kế hoạch chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong năm nay. Kết thúc 11 tháng năm 2017, BSR đã đạt được những chỉ tiêu rất ấn tượng: nhập 6,08 triệu tấn dầu thô và xuất bán 5,57 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu cả nước; doanh thu 71.900 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch; nộp NSNN 9.060 tỷ đồng, vượt 26,3% kế hoạch (2.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các chỉ số tài chính của BSR đều ở mức cao: tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 21,12%; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) là 10,56%; tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) là 11,9%.

Minh chứng thêm cho sự thuận lợi khi cổ phần hóa ở thời điểm đầu năm 2018, ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV của BSR - nêu rõ: Lợi nhuận năm 2015 của BSR là 6.000 tỷ đồng, năm 2016 là 4.492 tỷ đồng, đến hết 11 tháng năm 2017 đã đạt 7.300 tỷ đồng, dự kiến đến hết năm 2017 có thể đạt 8.000 tỷ đồng, vượt rất cao so với kế hoạch. Năm 2017, BSR xếp thứ 16 trong Bảng xếp hạng Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam và đứng thứ 7 trong Bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường 9 năm qua, BSR đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước trưởng thành và phát triển vững mạnh. Dưới sự quản lý, vận hành của BSR, NMLD Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại ra thị trường, đạt doanh thu hơn 862 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN hơn 143 nghìn tỷ đồng. Sau hơn 15 triệu giờ công an toàn cộng với những thành tích nổi bật trong sản xuất kinh doanh những năm gần đây, nhiều đối tác lớn đã đánh giá BSR đang phát triển bền vững.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 21-12-2017
Cùng chuyên mục
  • Thủy sản cần nỗ lực thoát  "thẻ vàng" từ EU
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Cuối tháng 10 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức rút "thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, vì những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp, cũng như đáp ứng quy định của EU (IUU). Theo đó, sau 6 tháng, nếu Việt Nam không có những biện pháp khắc phục thì EU sẽ rút “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc Việt Nam bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU.
  • Triển vọng kinh doanh tiếp đà khởi sắc
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Kết quả khảo sát 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2017 cho thấy, có tới gần 65% DN lớn dự định mở rộng sang các dự án, lĩnh vực kinh doanh mới (start-up) trong 2 năm 2018 và 2019. Hai lựa chọn được các DN lớn hướng tới nhiều nhất là tìm kiếm thị trường mới (68%) và sẽ thực hiện các dự án liên doanh, liên kết (57%). Nhiều DN lớn “bật mí” sẽ thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập, cũng như mạnh tay chi vốn đầu tư cho các start-up giàu triển vọng.
  • Giá điện tăng vì kinh doanh điện bị lỗ
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương vừa công bố giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh từ ngày 01/12/2017 với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm Thuế Giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Vấn đề đang được dư luận quan tâm là mức giá mới này được đưa ra dựa trên những cơ sở nào khi tổng thể tình hình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn đang có lãi?
  • Cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến một sự hứng khởi đột biến khi VN-Index (chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM) đã lần đầu tiên vượt mốc 900 điểm sau một thập niên. Nhiều chuyên gia tin tưởng nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) chiếm tỷ lệ vốn hóa lớn trên thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm trong giai đoạn tới.
  • Chống hàng giả, hàng nhái:  Cần sự chủ động từ nhiều phía
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình trạng hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam hiện nay không chỉ dừng lại ở mức độ vụ việc, hành vi đơn lẻ mà thực sự trở thành "ngành công nghiệp đen tối" gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước và sức khỏe người tiêu dùng, gây hoang mang trong xã hội. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp để xử lý nghiêm vấn nạn này.
Lọc hóa dầu Bình Sơn: Thời điểm “vàng” để IPO