Hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp
Theo thống kê, từ năm 2014 đến 10/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 44.500 vụ việc về hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT). Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2017, cả nước phát hiện hơn 3.800 vụ, trong đó có những vụ việc lớn được cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng như: thuốc giả của Việt Nam Pharma, lụa Trung Quốc đóng mác Việt Nam của Khaisilk hay lô mỹ phẩm không rõ nhãn mác của TS Group…
Theo Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) Trương Quang Ba, những vụ việc cộm cán nói trên chỉ là “phần nổi”, thực tế số vụ hàng giả, hàng nhái với mức độ nghiêm trọng là rất lớn, phổ biến trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, trên mọi địa bàn.
Chủ tịch Câu lạc bộ Kết nối doanh nhân Saigon-ASEAN Nguyễn Ngọc Luận thông tin, một số khảo sát cho thấy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bao phủ khắp nơi, từ các cửa hàng tạp hóa đến cả những siêu thị ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Ông Trương Quang Ba cho biết, nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên như: bất cập trong cấp phép, quản lý các quy chuẩn hợp quy; có nhiều cơ quan quản lý nhưng không ai chịu trách nhiệm chính; nhiều Bộ, ngành, địa phương tham gia nhưng công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Trong khi đó, lợi nhuận thu về từ hàng giả, hàng nhái rất lớn khiến người làm hàng giả bất chấp đạo đức nghề nghiệp, sản xuất để trục lợi bất chính.
Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM Phan Thị Việt Thu cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nạn hàng giả, hàng nhái gia tăng là do luật pháp còn nhiều sơ hở, bất cập trong quản lý, chế tài chưa đủ mạnh và còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ các cơ quan. Vấn nạn này đang gia tăng và để lại nhiều hệ lụy, làm thất thu ngân sách, làm xấu môi trường kinh doanh, các nhãn hàng lớn bị ảnh hưởng về uy tín… Còn đối với người tiêu dùng, do chưa có nhiều thông tin nên khó phân biệt hàng thật, hàng giả, cũng như còn có tâm lý e ngại khiếu kiện khi mua phải hàng giả.
Ngoài ra, cộng đồng DN cho rằng, tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường là do cơ quan quản lý dễ dãi từ khâu đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Chưa hết, công tác xử lý hàng giả lại quá nhẹ tay, không đủ tính răn đe. Trong khi đó, các giải pháp, chính sách vẫn chỉ mới “cắt ngọn”, chưa đủ sức nặng để loại trừ vấn nạn này từ gốc rễ.
Cần sự vào cuộc của toànxã hội
Tại buổi Tọa đàm "Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu DN" do Báo Công an nhân dân phối hợp tổ chức mới đây, đại diện Công ty TNHH sản xuất võng xếp Duy Lợi chia sẻ, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến DN. Thời gian qua, DN này đã tốn nhiều thời gian, công sức theo đuổi các vụ kiện những đối tượng làm giả sản phẩm ở cả trong và ngoài nước. Do đó, sau khi lên tiếng “kêu cứu” giải quyết vụ việc liên quan đến xâm hại quyền SHTT, sở hữu công nghiệp, DN mong muốn các cơ quan chức năng giảm thời gian thụ lý, nhanh chóng giải quyết vụ việc, sớm trả lại môi trường cạnh tranh công bằng cho các DN.
Để góp phần ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, bà Nguyễn Thị Huyền Trang - đại diện Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đề xuất, các DN cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề đăng ký SHTT để nếu sản phẩm của mình có bị làm giả, làm nhái thì mới được pháp luật bảo vệ một cách đầy đủ. DN không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả chỉ là trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm quyền chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, bà Phan Thị Việt Thu cho rằng, chống hàng giả, hàng nhái cần sự phối hợp của toàn xã hội, gồm: người tiêu dùng, DN, cơ quan chức năng. Đặc biệt khi mua hàng hóa, người tiêu dùng phải yêu cầu người bán cung cấp thông tin liên quan đến sản phẩm, hóa đơn chứng từ. Mặt khác, DN cần chú trọng quảng bá sản phẩm, hướng dẫn cho khách hàng đề phòng các thủ đoạn làm giả và kênh phân phối hàng giả, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Khi phát hiện sản phẩm của DN mình bị làm giả, nhái phải thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý.
Ông Trương Quang Ba cho biết, thời gian tới, Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo tiến hành nhiều giải pháp, trong đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; chỉ đạo các Bộ, ngành sớm thực thi đầy đủ các quy định về SHTT để hỗ trợ cho DN sản xuất kinh doanh chân chính. Vào thời điểm cuối năm, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái sẽ tăng cao, vì vậy, cơ quan này cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra trên thị trường.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15/11/2017