Có sự chuẩn bị tốt nhất
Sau 9 tháng dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, kết quả thu hút FDI đã phản ảnh tác động của đại dịch này tới nền kinh tế cũng như đầu tư FDI tại Việt Nam. Thay vì giảm sâu như dòng vốn đầu tư toàn cầu, vốn FDI vào Việt Nam tuy có giảm nhưng mức giảm thấp hơn cho thấy triển vọng đầu tư vẫn đang khá khả quan.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2020 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 23,5 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả này, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông là nhờ Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế”, theo đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho gần 20.000 lãnh đạo DN các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh bình thường.
Theo các chuyên gia, nếu FDI toàn cầu bị thu hẹp trong một thời gian dài, hậu quả đối với các nước đang phát triển sẽ rất nặng nề và nghiêm trọng bởi các nước này có danh mục dòng vốn FDI đa dạng và lợi ích tiềm năng của dòng vốn này rất lớn. Chính vì thế, cạnh tranh trong thu hút FDI, nhất là vốn FDI từ các nước có thu nhập cao giữa các nước đang phát triển ngày càng gay gắt.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ phải có sự chuẩn bị tốt nhất cả về chính sách, hạ tầng, nhân lực, môi trường đầu tư... để có thể đón được dòng vốn FDI chất lượng đang sẵn sàng chuyển dịch. “Các quốc gia khác trên thế giới cũng đang ban hành nhiều chính sách rất mạnh mẽ để giữ chân cũng như lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài, để cạnh tranh được, chúng ta cũng phải có các giải pháp đột phá, các cách làm mới thì mới có thể hấp dẫn được nhà đầu tư nước ngoài. Các giải pháp cũng cần phải thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ thì mới tận dụng được cơ hội”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết liệt tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư. Luật Đầu tư mới, Luật Doanh nghiệp mới, Luật Đầu tư PPP vừa được Quốc hội thông qua theo hướng thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế nhằm thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng. Đặc biệt, Việt Nam đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về thu hút FDI để tham mưu các cơ chế, chính sách hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế, kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư và giải quyết các yêu cầu của nhà đầu tư trong bối cảnh mới.
Đồng thời, ngay giữa tâm dịch, hàng loạt cuộc xúc tiến đầu tư cả trực tiếp và trực tuyến đã được tổ chức thu hút sự tham gia của hàng nghìn nhà đầu tư nước ngoài nhằm mục đích thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu...
Thiết kế những gói chính sách riêng cho dự án lớn
Trao đổi với Báo Hải quan, ông William Badger, Phó chủ tịch Ban Đào tạo và Nguồn nhân lực, Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu Eurocham cho rằng, Hiệp định EVFTA không thể ngay lập tức có kết quả, không phải ngay lập tức vốn đầu tư từ DN châu Âu đổ vào Việt Nam sẽ tăng lên, nhưng EVFTA cộng với tình hình kiểm soát dịch Covid ở Việt Nam tốt hơn nhiều nước khác nên không khí đầu tư ở Việt Nam sẽ rất tốt trong giai đoạn tới. Mặc dù cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính của Việt Nam đã cải thiện hơn rất nhiều, tuy nhiên, nếu được cải thiện tốt hơn thì sẽ tạo điều kiện thu hút nhiều hơn vốn FDI trong thời gian tới.
“Trình độ, tay nghề của người lao động nhìn chung là tốt, nhưng nhiều người mới tốt nghiệp đại học vẫn phải đào tạo lại. Nếu giáo dục được cải thiện hơn về chất lượng để người lao động sẵn sàng làm được việc ngay sau khi ra trường thì sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp FDI”, ông William Badger nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài chính sách chung, cần đặc biệt lưu ý đến các gói chính sách dành riêng cho từng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn. “Chúng ta phải thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo” cho từng nhà đầu tư, có như vậy mới đáp ứng các nhu cầu của các nhà đầu tư và chọn được nhà đầu tư có chất lượng, đúng như tinh thần của Nghị quyết 50/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về thay đổi cách thức quản lý, thay đổi cách thức thu hút và có lựa chọn để nâng cao chất lượng nhà đầu tư. Các dự án đầu tư phải thu hút được doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ họ tham gia chuỗi dịch chuyển này”, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lưu ý.
Hiện nay mua bán và sáp nhập đang trở thành xu thế trong đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế, các chuyên gia cũng lưu ý giải pháp để tránh các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng điểm bị các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát và thâu tóm, đặc biệt các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, hoặc núp bóng các nước khác nhưng thực chất thuộc Trung Quốc.
“Chính phủ cần xác định ngưỡng cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các DN cổ phần hoá, đặc biệt cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xem xét cụ thể các thương vụ M&A lớn, điển hình trong mấy năm qua để thấy rõ những mặt tồn tại, đúc kết thành bài học kinh nghiệm về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài trong thời gian tới”, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lưu ý.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, chính sách thu hút FDI cần lựa chọn và ưu tiên các tập đoàn lớn trong ứng dụng công nghệ đến từ các nước tiên tiến, xoá bỏ việc thu hút FDI tràn lan như thời gian qua. Đồng thời, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định và có chế tài để quản lý hiệu quả hoạt động của đầu tư nước ngoài trên địa bàn; xử lý nghiêm các dự án đã cấp phép nhưng không triển khai thực hiện.
Theo Haiquanonline