Lời cảnh báo được Giám đốc điều hành và là người đứng đầu Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới Mike Ryan đưa ra trong cuộc họp báo tại trụ sở của tổ chức này tại Geneva, Thụy Sỹ.
Theo ông Mike Ryan, virus SARS CoV-2 có thể sẽ trở thành một virus tồn tại mãi với con người, như virus HIV xuất hiện cách đây hơn 30 năm.
“Virus SARS CoV-2 này có thể sẽ trở thành một loại virus mãn tính trong cộng đồng chúng ta và sẽ không bao giờ biến mất. Virus HIV cũng không biến mất nhưng chúng ta đã hiểu biết về nó và đã tìm ra các phương pháp điều trị, các biện pháp phòng ngừa và mọi người không còn cảm thấy quá sợ hãi như trước kia. Tôi không muốn so sánh hai loại dịch bệnh, nhưng điều quan trọng là phải thực tế. Tôi nghĩ không có ai và có cách nào dự đoán được khi nào thì dịch bệnh này sẽ biến mất”- ông Mike Ryan nói.
Hình ảnh quét kính hiển vi điện tử của virus Corona mới |
Bệnh dịch đang dần được kiểm soát
Dù các ca bệnh vẫn tăng lên mỗi ngày, nhưng WHO nhận định, thế giới đã kiểm soát được cách đối phó với Covid-19.
Hơn 100 loại vaccine tiềm năng đang được phát triển, bao gồm một số thử nghiệm lâm sàng, tuy nhiên các chuyên gia cũng nhấn mạnh những khó khăn trong việc tìm kiếm vaccine có hiệu quả chống lại coronavirus.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ, ban đầu tổ chức này chỉ dám nghĩ đến việc có được vaccine phòng ngừa virus chết người SARS-CoV-2 sau từ 12-18 tháng. Tuy nhiên, những nỗ lực tăng tốc đang được tiến hành khi vào tuần trước, giới lãnh đạo đến từ 40 quốc gia, các tổ chức và ngân hàng đã cam kết hỗ trợ 8 tỷ USD để nghiên cứu, thử nghiệm tìm ra vaccine ngừa Covid-19.
Theo ông Tedros, 8 tỷ USD là không đủ và sẽ cần thêm để tăng tốc độ chế tạo vaccine, nhưng quan trọng hơn là phải sản xuất đủ số lượng để đảm bảo vaccine có thể đến được với tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tổng giám đốc WHO cũng nhấn mạnh: "trước khi vaccine được chế tạo thành công, tất cả chúng ta đều cần có ý thức góp phần ngăn chặn đại dịch này. Dù đang có những chuyển biến tích cực, nhưng chúng ta vẫn cần phải kiểm soát rất chặt chẽ và cẩn thận đánh giá các rủi ro có thể xảy ra”.
Bài toán khó dành cho chính phủ
Đến thời điểm hiện tại, cách ly xã hội đang là biện pháp duy nhất và hữu hiệu trong việc phòng chống virus, tuy nhiên cách ly xã hội cũng khiến nền kinh tế toàn cầu bị đóng băng, hàng triệu người mất việc làm. Chính phủ các nước trên thế giới vẫn đang vật lộn với câu hỏi làm thế nào để mở cửa lại nền kinh tế trong khi virus vẫn tiếp tục lây lan. Theo thống kê của Reuters, Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 4,4 triệu người với hơn 297.000 ca tử vong.
Liên minh châu Âu mới đây đã đưa ra các quyết định nới lỏng dãn cách xã hội và mở lại dần đường biên giới giữa các nước trong khối đã bị đóng cửa suốt thời gian qua vì đại dịch, với hi vọng rằng vẫn chưa quá muộn để cứu vãn ngành du lịch.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng cho rằng, cần hết sức thận trọng để tránh những đợt bùng phát mới. "Chúng ta cần phải xác định rằng sẽ mất một khoảng thời gian dài để có thể thoát khỏi đại dịch này", nhà dịch tễ học của WHO Maria van Kerkhove nói trong cuộc họp, “mức độ rủi ro của Covid-19 hiện nay vẫn là rất cao ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới".
Giám đốc điều hành WHO Mike Ryan cũng đánh giá, nếu các nước phải ứng phó với một đợt bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19 thì hậu quả sẽ lớn hơn so với đợt bùng phát đầu tiên vì khi đó sẽ kéo theo vòng xoáy khủng hoảng y tế-kinh tế trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc WHO Tedros cũng nhấn mạnh rằng trong khi cần tiếp tục đưa ra các phản ứng mang tính cấp bách đối phó với đại dịch Covid-19, các quốc gia cũng cần phải đặt nền móng cho một thế giới lành mạnh, an toàn và công bằng hơn.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed nhất trí với quan điểm cho rằng các quốc gia phải cùng nhau hợp tác trong việc ứng phó với đại dịch bởi các nước đều có liên kết với nhau. Tuy nhiên, trước mắt phải dành sự ưu tiên cho các quốc gia, cộng đồng người dễ bị tổn thương nhất.
Bà Amina Mohammed kêu gọi một chương trình xóa nợ cho các nước dễ bị tổn thương, qua đó giúp nền kinh tế của họ có thể phục hồi. Theo Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, các biện pháp bảo vệ và kích thích nền kinh tế nên nhằm vào đối tượng là phụ nữ - đối tượng chiếm phần đông trong số những người trong nền kinh tế phi chính thức chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
AN CHI (theo https://www.trtworld.com)