Giữ và phát triển rừng hôm nay chính là ngăn ngừa những hậu họa thiên tai, lũ lụt về sau. Ảnh: V.Hoàng
Rừng bị suy giảm nhanh khiếnlũ lụt ngày càng gia tăng
Báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các hiện tượng thiên tai, bão lũ. Nghiên cứu của Quỹ châu Á trong 20 năm qua cũng chỉ ra rằng, Việt Nam là 1 trong 5 nước có rủi ro thiên tai lớn nhất toàn cầu với mức thiệt hại ước tính chiếm đến 1,5% GDP hằng năm. Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, nước ta xảy ra khoảng 10 - 15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Nguyên nhân hàng đầu được chỉ ra là do vấn nạn phá rừng.
Thực tế, diện tích rừng tự nhiên đang ngày càng suy giảm nhanh với tốc độ chóng mặt, nhất là độ che phủ rừng ở khu vực miền Trung. Nhiều diện tích rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ở các tỉnh miền Trung bị thu hẹp gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn, giảm khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ, khiến cường độ nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn. Hiện, độ che phủ rừng nước ta còn chưa đến 40%, diện tích rừng nguyên sinh còn khoảng 10%. Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283ha. Như vậy, trung bình mỗi năm, Việt Nam mất 2.430ha rừng.
Theo nhận định của Viện Điều tra và Quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân của tình trạng trên là do nạn chặt phá rừng trái phép và việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt tại khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập tục đốt rừng làm nương rẫy, di canh di cư; một bộ phận người dân chưa có nhận thức đúng về quy hoạch đất rừng; đặc biệt là nạn lâm tặc với sự tham gia, cấu kết của một số cán bộ kiểm lâm tha hóa, biến chất.
Bên cạnh đó, hơn 20 năm qua, sự phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện tại miền Trung đã khiến chúng ta đang phải đối mặt với nhiều hậu quả bất lợi, trong đó điển hình nhất là hệ lụy thiên tai từ việc mất rừng. Theo tính toán của các chuyên gia, để làm 160 dự án thủy điện phải mất 20.000ha rừng, trung bình mỗi dự án thủy điện được hình thành sẽ có 125ha rừng bị xóa sổ. Đáng lưu ý, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam - TS. Đào Trọng Tứ - còn cho biết, theo quy định, công trình thủy điện chiếm bao nhiêu diện tích rừng thì phải trồng đền bù bấy nhiêu. Thế nhưng đến nay, chưa chủ đầu tư nào thực hiện việc trồng rừng đúng quy định.
Rừng bị lấy đi quá nhiều là nguyên nhân khiến lũ lụt ngày càng gia tăng, thậm chí thảm họa lũ lụt ập xuống nhanh hơn, khốc liệt hơn, thiệt hại ngày càng to lớn hơn. Thủy điện có thể không làm tăng lũ nhưng thủy điện đã phần nào làm rừng bị mất đi, khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn. Chưa kể, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, tàn khốc hơn cũng có phần do các nhà máy thủy điện xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão.
Khôi phục rừng phòng hộđầu nguồn, xem xét lại quy hoạchthủy điện vừa và nhỏ
Từ nhiều năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc làm mất rừng cũng như đưa ra các giải pháp toàn diện bảo vệ rừng. Quyết tâm đình chỉ, thu hồi những dự án gây ảnh hưởng đến rừng tự nhiên; kiểm tra, truy quét đầu nậu, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và những cơ quan, chủ rừng, đặc biệt những người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, tiêu cực để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác trái phép tài nguyên rừng. Đặc biệt, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là tích cực khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, nhất là các khu vực thường gây ra lũ quét nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng cho rằng, đã đến lúc cần biện pháp mạnh hơn, cứng rắn hơn đối với các đối tượng lâm tặc, đặc biệt xử lý nghiêm một bộ phận cán bộ, cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều động thái để ngăn chặn “hội chứng” làm kinh tế bằng thủy điện. Cách đây 3 năm, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ rõ quan điểm Chính phủ sẽ kiên quyết dừng hoạt động dự án thủy điện nhỏ không thực hiện trồng rừng thay thế, nhất là các dự án ở Tây Nguyên.
Những năm qua, việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan ở nhiều địa phương đã được các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ phá hủy môi trường, phá rừng và xảy ra lụt lội. Cho dù thủy điện vừa và nhỏ cũng mang lại những lợi ích kinh tế nhất định nhưng trong bối cảnh người dân đang đối mặt với lũ lụt thì vấn đề quy hoạch, xây dựng các thủy điện vừa và nhỏ cũng cần được đặt ra. Theo Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - GS. Trần Đình Long, cần xem xét lại quy hoạch theo kiểu phân công: Nhà nước chỉ quản lý các công trình thủy điện từ 30MW trở lên, còn các công trình thủy điện nhỏ giao về cho địa phương quản lý.
Dự báo về bão lũ mới tại miền Trung vẫn không ngừng được thông tin trên các phương tiện truyền thông. Nỗi lo bão lũ vẫn chưa dừng lại. Bởi vậy, giữ và phát triển rừng hôm nay chính là ngăn ngừa những hậu họa thiên tai, lũ lụt về sau!
HỒNG NHUNG