Xóa bỏ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

(BKTO) - Hiện nay, khối kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 42% GDP, khoảng 30% vào NSNN, 53% cơ cấu vốn của nền kinh tế, thu hút khoảng 83% lực lượng lao động. Tuy nhiên, khu vực này vẫn gặp một số rào cản cần phải tiếp tục xóa bỏ để phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế.




Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính còn rườm rà

Trong các thành phần của nền kinh tế, khối kinh tế tư nhân có tốc độ phát triển nhanh hơn và chiếm tỷ trọng cao so với khối DNNN và khối DN FDI. Năm 2018, khối kinh tế tư nhân chiếm 42,08% GDP, khối DNNN chiếm 27,67% và khối FDI là 20,28%.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2019, cả nước có khoảng 45,2 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân, tương đương gần 83,3% tổng số lao động. Đến cuối năm 2019, nước ta có khoảng 600.000 DN, trong đó có trên 500.000 DN tư nhân với tỷ trọng quy mô của từng loại hình DN nhỏ và vừa, DN quy mô vừa và DN lớn lần lượt là 96%, 2% và 2%...

Tuy nhiên, theo bà Mai Lan Hương - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khu vực kinh tế tư nhân đang gặp phải một số rào cản như: hệ thống pháp luật về kinh tế tư nhân chưa đầy đủ và hoàn thiện, nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu nhất quán. Công tác quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế nói chung và đối với khu vực kinh tế tư nhân nói riêng chưa thật sự phù hợp với kinh tế thị trường và hiệu quả chưa cao. Khả năng tiếp cận vốn vay tín dụng của các DN còn hạn chế, nhiều DN tư nhân, DN nhỏ và vừa gần như không có hoặc không đủ tài sản bảo đảm cho nhu cầu vay vốn. Thủ tục hành chính rườm rà buộc các DN phải trả chi phí phi chính thức. Giá các yếu tố đầu vào như: giá thuê đất, giá xăng dầu, giá vận tải, giá nhân công, giá nguyên vật liệu liên tục tăng khiến chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận giảm, hạn chế khả năng tích lũy để mở rộng sản xuất, kinh doanh của DN…

Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc và Nguyễn Thị Diễm - Đại học Kinh tế TP. HCM, Phân hiệu tại Vĩnh Long - cũng cho rằng: Môi trường pháp lý đối với kinh tế tư nhân vẫn chưa hoàn thiện, thiếu nhất quán, rõ ràng và còn chồng chéo. Bên cạnh đó, DN tư nhân chủ yếu là DN nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp; chất lượng nguồn nhân lực không cao, khả năng tiếp cận thông tin thị trường thấp; hoạt động kinh doanh hầu hết mang tính ngắn hạn, không có chiến lược kinh doanh dài hạn…

Thẩm tra Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển; bước đầu hình thành một số tập đoàn kinh tế quy mô lớn có tiềm lực mạnh và khả năng cạnh tranh cao như: Tập đoàn Vingroup, Hòa Phát, Sungroup, Thành Công, Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải… Tuy nhiên, về tổng thể, vẫn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các DN lớn đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm và thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế; chưa có DN tư nhân lớn dẫn dắt, đa phần DN nhỏ, siêu nhỏ, yếu, thiếu sức sáng tạo và cạnh tranh.

Cần tạo lập môi trường kinh doanhbình đẳng, lành mạnh, thuận lợi

Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặt mục tiêu phấn đấu có hơn 1,5 triệu DN vào năm 2025 và có ít nhất 2 triệu DN vào năm 2030; tốc độ tăng trưởng kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55% GDP vào năm 2025 và 60 - 65% GDP vào năm 2030.

Để xóa bỏ các rào cản nói trên nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, theo bà Mai Lan Hương, Việt Nam cần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, trong đó môi trường pháp lý và môi trường quản lý là hai yếu tố quan trọng hàng đầu; đồng thời hỗ trợ nguồn lực để kinh tế tư nhân phát triển thông qua các chính sách tài chính, tín dụng, đất đai… Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ khối kinh tế tư nhân đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí điện, nước, than, xăng dầu, xuất nhập khẩu…

Nhóm tác giả Nguyễn Thị Ánh Ngọc và Nguyễn Thị Diễm cũng cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế tư nhân theo hướng khuyến khích việc tích tụ vốn bằng nội lực hoặc các phương thức như: mua bán, sáp nhập, đầu tư cổ phiếu; tăng cường vốn từ lợi nhuận giữ lại, tái đầu tư sản xuất, kinh doanh để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng vốn. Cùng với đó, các DN tư nhân cần chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động marketing và nghiên cứu thị trường, coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, kinh doanh, áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, góp phần tối đa hóa giá trị cho DN…

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Xóa bỏ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân