Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND: Đảm bảo việc thực thi kết luận, kiến nghị giám sát

(BKTO)- Chiều 9/6, Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (QH) và HĐND đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường.




ĐB Đặng Kim Chi (Phú Yên) cho rằng cần làm rõ tính pháp lý của kết luận giám sát, hoặc báo cáo kết quả giám sát. Ảnh: T.K
Nhất trí cao với việc ban hành Luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) cho rằng, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND phải nhằm mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giám sát. Do đó, các ĐB đề xuất, Dự thảo Luật cần có quy định cụ thể để đảm bảo các kết luận, kiến nghị sau giám sát được thực thi nghiêm túc, đầy đủ.

Làm rõ hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát

Theo đánh giá của nhiều ĐB, Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND đã có nhiều quy định nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động giám sát thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của QH và HĐND. Tuy nhiên, một số ĐB đề nghị, Dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung để quy định cụ thể hơn về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát. Theo ĐBHoàng Thị Hoa (Bắc Giang), quy định như Dự thảo Luật chưa thể hiện được cơ chế để đánh giá cácmặt đã làm được, chưa làm được, những hạn chế của đối tượng chịu sự giám sát, các biện pháp kiến nghị cụ thể. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng chưa thể hiện rõ quy định về việc chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về nghị quyết, kết luận, kiến nghị của mình. ĐB Hoa đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định cụ thể hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát. Đây cũng chính là quan điểm của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra Dự án Luật.

Tán thành quan điểm này, ĐB Đặng Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, để hoạt động giám sát có chất lượng hơn trong thời gian tới và kết luận giám sát được thực thi một cách nghiêm túc thì cần làm rõ tính pháp lý của kết luận giám sát, hoặc báo cáo kết quả giám sát. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan nếu kết luận giám sát hoặc báo cáo kết quả giám sát không đúng hoặc không phù hợp. Theo ĐB, quy định như Dự thảo Luật chưa thể hiện được trách nhiệm của chủ thể giám sát đối với kết luận giám sát của mình, như vậy là chưa hợp lý, cần được bổ sung, làm rõ thêm.

Đề cao trách nhiệm thực hiện kiến nghị, kết luận giám sát

Đi đôi với trách nhiệm của chủ thể giám sát, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát thì trách nhiệm của các chủ thể chịu sự giám sát cũng được nhiều ĐB đặt ra. Với quan điểm kết luận giám sát là sản phẩm đầu ra của một quá trình giám sát được Hiến định, được tiến hành theo chương trình, kế hoạch với sự đầu tư tham gia của nhiều chủ thể pháp luật, do đó, sản phẩm này cần được coi trọng, đề cao đúng mức trong khâu bảo đảm thực hiện, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng: quy định về nội dung đảm bảo hoạt động giám sát cần được tiếp cận, thiết kế theo hướng mới, nâng cấp về nội dung nhằm tập trung quy định về trách nhiệm thực hiện kết luận giám sát. Đây là nội dung trọng tâm của hoạt động giám sát.

Theo ĐBLê Văn Tân (Hà Nam),các nội dung QH, HĐND giám sát là những vấn đề lớn, bức xúc trong xã hội nhưngcó những nội dung chưa đạthiệu lực, hiệu quả như mong muốn. Theo ĐB, nguyên nhân là do lĩnh vực giám sát có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, kiến nghị giám sát chưa chỉ rõ người chịu trách nhiệm cuối cùng; chưa có quy định trách nhiệm và việc xử lý đối với người đứng đầu nếu không thực hiện kết luận giám sát. ĐB Tân đề nghị “cần quy định rõ hơn trách nhiệm chính trị của người đứng đầu các cấp, ngành, lĩnh vực trong việc thực hiện nghị quyết giám sát của QH, HĐND”.

Cùng quan điểm trên, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, Dự thảo Luật mới chỉ quy định hậu quả của việc không thực hiện những yêu cầu, kiến nghị, kết luận của chủ thể giám sát đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát mà chưa có quy định trách nhiệm của các cơ quan này đối với các kết luận, kiến nghị, yêu cầu đó. Theo ĐB, để chủ thể giám sát có thể theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kết luận của mình thì cần bổ sung thêm nội dung về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát theo hướng các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm lập kế hoạch và lộ trình thực hiện các kết luận, kiến nghị, nghị quyết, yêu cầu của chủ thể giám sát và thực hiện nghiêm chỉnh các kết luận, kiến nghị, yêu cầu, nghị quyết của chủ thể giám sát.

Làm rõ hơn vấn đề này, ĐB Lù Thị Lừu (Lào Cai) cho rằng, quy định của Dự thảo Luật về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát vẫn còn “khoảng trống”, bởi việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện các kiến nghị, kết luận đến đâu, mức độ chấp hành như thế nào chưa được chế định cụ thể để đánh giá mức độ tiếp thu, khắc phục những tồn tại. Như vậy, chủ thể giám sát không biết được đơn vị chịu sự giám sát đã thực hiện đúng với kết luận của Đoàn giám sát hay chưa. Do vậy, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải báo cáo chủ thể giám sát bằng văn bản về kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận của Đoàn giám sát, đồng thời quy định rõ thời hạn thực hiện các kiến nghị, kết luận đó.

Cùng góp ý về nội dung này, các ĐB Vi Thị Hương (Điện Biên), Trương Thị Ánh (TP.HCM) nhấn mạnh đến quy định tái giám sát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát. Nếu tổ chức, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì chủ thể giám sát có trách nhiệm kiến nghị với cấp quản lý trực tiếp xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

NGUYỄN HỒNG
Cùng chuyên mục
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND: Đảm bảo việc thực thi kết luận, kiến nghị giám sát