Ông Phùng Quốc Hiển
Thưa ông, một con số đáng chú ý trong Báo cáo quyết toán NSNN năm 2013 được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này là tỷ lệ bội chi NSNN năm 2013 lên tới 6,6%, vượt mức Quốc hội cho phép là 5,3%. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?
- Chính sách tài khóa năm 2013 cần phải được phân tích rất kỹ, bởi nó khác so với một số năm. Do xuất phát từ tình hình thế giới và đặc biệt là trong nước, các DN gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng dẫn tới dự báo chúng ta sẽ hụt thu ngân sách. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các chính sách giảm, miễn, giãn thuế theo lộ trình để giảm gánh nặng về thuế cho các tầng lớp dân cư cũng góp phần dẫn đến số hụt thu ngân sách dự kiến là 47.000 tỷ đồng. Trước tình hình đó, Quốc hội đã quyết định cho phép thu một số khoản đặc thù, cùng với thu về 75% lợi nhuận của nước chủ nhà từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia và những cố gắng trong công tác thu thì số hụt thu chỉ còn 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đề nghị Quốc hội cho giữ bội chi là 5,3% để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng; đồng thời Quốc hội quyết định dành 16.000 tỷ đồng cho giải quyết vấn đề hỗ trợ ngư dân bám biển để thực hiện mục tiêu bảo vệ chủ quyền và dành 15.000 tỷ đồng để trả các khoản nợ chính sách an sinh xã hội. Mặc dù Quốc hội đồng ý giữ nguyên tỷ lệ bội chi là 5,3% nhưng khi quyết toán thì bội chi đã tăng lên 6,6% do phát sinh 2 vấn đề. Thứ nhất, do ta còn nợ quỹ hoàn thuế năm 2011 là 13.000 tỷ và để đảm bảo tính minh bạch thì Chính phủ phải đưa vào quyết toán 2013 số tiền này. Thứ hai, do việc tăng chi vốn ODA với tốc độ giải ngân quá nhanh, vượt so với dự toán ban đầu khoảng 29.000 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy việc bội chi nói trên là khách quan và cũng phù hợp nên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đồng ý đưa vào quyết toán, chỉ có điều là Chính phủ chưa báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa đúng với quy định của Luật NSNN.
Việc tăng tỷ lệ bội chi ngân sách như vậy có tác động thế nào tới nợ công, thưa ông?
- Tất nhiên là bội chi tăng sẽ làm nợ công tăng. Nhưng thực tế thì số tiền 13.000 tỷ đồng đã chi rồi nên chỉ có tăng từ phần tăng chi vốn vay ODA thôi. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng vốn vay ở đây là để đầu tư phát triển chứ không phải là vay để “ăn” và những dự án được đầu tư là những công trình rất quan trọng, như: Cầu Nhật Tân, Cảng Thị Vải - Cái Mép... cho nên điều này cũng là hợp lý.
Rõ ràng là việc tỷ lệ bội chi vượt chỉ tiêu Quốc hội đưa ra vẫn phản ánh thực tế là kỷ luật tài chính chưa nghiêm, đòi hỏi công tác tính toán, dự báo của chúng ta sau này phải hết sức sát thực tế và phải nghiêm túc hơn, đặc biệt là sau khi Hiến pháp sửa đổi đã có hiệu lực. Hiến pháp đã quy định rõ bất cứ một khoản chi nào đều phải có dự toán. Nếu năm 2014 chuyện này vẫn xảy ra thì chúng ta phải tính toán lại.
Như ông đã nói, năm 2013 là một năm hết sức khó khăn, song Báo cáo kiểm toán của KTNN cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ ra rất nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách, như: chi đầu tư xây dựng cơ bản vượt 55% dự toán; tình trạng chi sai tiêu chuẩn, chế độ, định mức xảy ra phổ biến ở các Bộ, ngành, địa phương... Xin ông cho biết ý kiến đánh giá về việc chấp hành kỷ luật ngân sách?
- Đúng là việc chấp hành kỷ luật ngân sách của chúng ta còn chưa nghiêm. Báo cáo kiểm toán của KTNN đã đánh giá được toàn bộ vấn đề thu, chi và chỉ ra rất nhiều sai phạm, những khoản cần phải thu hồi, những khoản chi sai... Đặc biệt, theo kết quả kiểm toán thì lĩnh vực xây dựng cơ bản vẫn xảy ra nhiều sai phạm nhất. Tôi cho rằng, theo nguyên tắc, cái gì đã phát hiện ra thì chúng ta phải xử lý; nếu thu, chi không đúng thì phải xuất toán, thu hồi nộp NSNN và phát hiện ra năm nào thì phải xử lý cho năm đó.
Những năm gần đây việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đã có nhiều tiến bộ. Chẳng hạn như năm 2013 tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán đã đạt được 78,4%. Nhưng tôi cho rằng, trong rất nhiều những tồn tại mà Báo cáo kiểm toán đã chỉ ra vẫn có những tồn tại còn chậm khắc phục.
Vậy theo ông, cần có giải pháp nào để chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương ngân sách?
- Tôi cho rằng, chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp sau: Thứ nhất là phải xây dựng được căn cứ pháp luật, tức là cơ sở pháp lý để đảm bảo quản lý thu chi rõ ràng, minh bạch. Thứ hai là phải thực hiện cơ chế công khai, minh bạch trong thu, chi từ lúc xây dựng dự toán cho đến lúc quyết toán và tất cả đều phải được kiểm soát chặt chẽ. Thứ ba là mọi sai phạm đều phải được xử lý nghiêm, ngay cả việc công khai các vi phạm đó trước dư luận được cho là biện pháp rất quan trọng vì thực tế kinh nghiệm các nước cho thấy các cơ quan, đơn vị rất ngại khi các sai phạm bị công khai. Cùng với đó, phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát để đảm bảo NSNN được sử dụng đúng, hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN HỒNG