Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) cần hoàn thiện quy định về các tổ chức, cá nhân, người nộp thuế

(BKTO) - Tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Hoan - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội - đã có bài tham luận: “Đề xuất hoàn thiện các quy định trong Luật KTNN đối với các tổ chức, cá nhân, người nộp thuế liên quan đến hoạt động kiểm toán”. Báo Kiểm toán xin trích đăng một số ý kiến từ bài tham luận này.



Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán

Điều 68 Luật KTNN năm 2015 về: “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” còn chưa rõ, chưa đầy đủ, còn trùng lặp, chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN chưa được như mong muốn, thậm chí vẫn còn một số bất cập như: việc xác định và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm không được thực hiện hoặc thực hiện không triệt để, kéo dài; còn không ít văn bản kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán chưa được KTNN trả lời hoặc trả lời nhưng chưa thuyết phục…


Ông Nguyễn Văn Hoan - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội-Ảnh: T.ANH
Nhằm tránh chồng chéo trong hoạt động của cơ quan KTNN với cơ quan thanh tra và kiểm tra, Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) đã bổ sung Điều 64a như sau:“ Trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra

1. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với KTNN xử lý trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

2. Trước khi báo cáo Quốc hội, KTNN chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch kiể̉m toán hằng năm để tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động kiểm toán, thanh tra”.

Đề xuất này vẫn chưa rõ ràng và phù hợp vì Điều 64 Luật KTNN hiện hành chỉ quy định là “Chính phủ với KTNN”, không có quy định về khoản. Nếu quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra tại đây thì sẽ thiếu logic do “cơ quan kiểm tra” bao hàm cả cơ quan của Đảng, Nhà nước và các tổ chức… Vì vậy, Ban Soạn thảo nên quy định nội dung này thành 1 khoản mới tại Điều 68 của Luật KTNN.

Trong trường hợp giữ tên Điều 68 như Luật hiện hành thì nên bỏ dấu phẩy và bổ sung cụm từ “khác và” trước từ cá nhân. Bởi lẽ, nếu giữ nguyên thì các cơ quan được quy định từ Điều 63 đến Điều 67 phải thực hiện quy định tại Điều 68 là không phù hợp và thiếu chính xác.

Việc bổ sung cụm từ “người nộp thuế” là cần thiết nhưng cần quy định rõ và thiết kế phù hợp hơn, bởi 3 lý do: Việc kiểm tra, thanh tra đang do cơ quan thanh tra thuế, thanh tra tài chính đảm nhận; Để tránh chồng chéo trong hoạt động giữa cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán, Luật KTNN chỉ quy định kiểm toán ở cơ quan được giao nhiệm vụ thu ngân sách và quy định tại khoản 2, Điều 55 về nội dung "Các đơn vị được kiểm toán". Quy định này đã góp phần tăng số lượng các đơn vị được kiểm tra thu NSNN và thực hiện sự minh bạch - có sự giám sát từ bên ngoài (kiểm tra chéo). Nếu chỉ quy định “người nộp thuế” thì chưa bao quát hết nội hàm các nguồn thu của NSNN vì ngoài thuế NSNN còn phí, lệ phí và các khoản thu khác không có tính chất thuế.

Cụm từ “người nộp thuế” nên thay bằng “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến thu NSNN” cho chính xác hơn và bao quát được “người nộp thuế”, từ đó quy định rõ trách nhiệm của các đối tượng này.

KTNN cần tổng kết quá trình hoạt động, nhận thức được những khó khăn, vướng mắc thường gặp tại một số cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa một số cơ quan, Bộ, ngành, địa phương có liên quan đến việc xử lý các kết luận, kiến nghị như: Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng… và các địa phương.

Theo quy định của Luật KTNN hiện hành, nội hàm “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN” gồm: cung cấp thông tin, tài liệu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp; thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đồng thời gửi báo cáo kết quả cho KTNN. Nội dung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN đang được thể hiện ở khoản 1 và khoản 2 của Điều 68 Luật KTNN hiện hành có thể quy định cụ thể hơn thông qua đối tượng áp dụng và đối tượng kiểm toán hướng tới như: tách việc quản lý, sử dụng tài chính công (NSNN) và quản lý, sử dụng tài sản công (đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài sản trên đất). Cần cân nhắc để thiết kế dự thảo khoản 1, Điều 68 sao cho vừa bảo đảm tính bao quát, vừa chặt chẽ, không lọt đối tượng áp dụng và đối tượng kiểm toán.


Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và hoạt động KTNN có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN, kiểm toán viên nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công có trách nhiệm thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán của KTNN, đồng thời gửi báo cáo kết quả cho KTNN.

Trách nhiệm của các Bộ, ngành và các cơ quan khác của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư:

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và cơ quan khác của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu để phục vụ cho KTNN thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 4, Điều 10 của Luật này.

Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện và chỉ đạo các cơ quan liên quan hoặc phối hợp thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN cũng như báo cáo đầy đủ, kịp thời kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.
KTNN chủ trì phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra ở T.Ư và địa phương trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm toán hằng năm, tránh chồng chéo.

Trong trường hợp đột xuất do yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức hoặc trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng mà cơ quan thanh tra, kiểm tra thực hiện ngoài kế hoạch do các cơ quan đã thống nhất và xác nhận thì KTNN cùng cơ quan có phát sinh sự chồng chéo, có thể phối hợp sử dụng kết quả hợp lý và hợp pháp của nhau.

KTNN chủ trì xây dựng “Quy chế phối hợp giữa KTNN và Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động kiểm toán khi xét thấy cần thiết”.
Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định trình tự, thủ tục về kiểm tra, đối chiếu khi thực hiện kiểm toán tại cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan.

THÙY ANH (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 9/5/2019
Cùng chuyên mục
Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) cần hoàn thiện quy định về các tổ chức, cá nhân, người nộp thuế