Chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế GTGT
Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 3/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 thay thế cho Luật Thuế GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT năm 2003, năm 2005 và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần.
Qua 15 năm thực hiện, Luật Thuế GTGT đã có những thay đổi theo đúng định hướng cải cách chính sách thuế của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; giảm bớt thủ tục hành chính cho người nộp thuế và cơ quan thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, Luật Thuế GTGT đã góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, chú trọng đến khuyến khích phát triển nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; giảm chi phí đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội.
Luật Thuế GTGT góp phần quan trọng, ổn định, đảm bảo tỉ lệ động viên hợp lý cho ngân sách nhà nước (NSNN); cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản (dầu thô) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.
Theo đó, dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) sẽ hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN. Đồng thời, đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế.
Đáng chú ý, dự thảo Luật chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế GTGT để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế (phải kê khai, phân bổ thuế GTGT đầu vào sử dụng chung cho cả hoạt động chịu thuế và không chịu thuế). Ví dụ: phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập...
Luật hiện hành quy định mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT quy định tại điều 5 của luật này khi xuất khẩu, trừ một số trường hợp được nêu tên cụ thể tại khoản 1 điều 8. Thời gian qua không phát sinh vướng mắc đối với hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với dịch vụ thì phát sinh nhiều vướng mắc, do dịch vụ có tính chất vô hình, các dịch vụ đều được thực hiện tại Việt Nam.Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí Nguyễn Thị Thanh Hằng
Đối tượng bị tác động nhiều nhất?
Theo ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam, đối tượng bị tác động nhiều nhất khi luật quy định thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT chính là các doanh nghiệp chế xuất hiện đang được áp dụng chính sách của khu phi thuế quan. Đây là loại hình doanh nghiệp được lựa chọn nhiều nhất khi nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia lớn của các nước, để tổ chức hoạt động sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, mang lại lượng lớn ngoại tệ cho đất nước và thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Với dự thảo Luật quy định mới về thuế suất 0% thuế GTGT, hệ sinh thái và chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp này cũng nằm trong phạm vi bị tác động do tính chất liên thông của sắc thuế gián thu khi bên bán phát sinh thuế GTGT đầu ra còn bên mua phát sinh thuế GTGT đầu vào tương ứng.
Lấy một ví dụ, Công ty Trina Solar nhập khẩu 80% nguyên vật liệu trong nước và nếu thu hẹp diện áp dụng thuế GTGT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu như đề xuất tại Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), chi phí có thể tăng 6%, tăng thủ tục hành chính để thực hiện hoàn thuế. Công ty này đã mất đến gần 2 năm để thực hiện hoàn thuế trước đây, đây là một thời gian rất dài chưa kể tác động lớn đến tình hình tài chính và dòng tiền luân chuyển đưa vào sản xuất do số thuế thường khá lớn.
Đối với các doanh nghiệp chế xuất cỡ trung ở Việt Nam, nếu phát sinh thêm thuế GTGT đầu vào có thể lên đến hàng chục triệu USD cho một năm, chưa kể các rắc rối về thủ tục hoàn thuế (nếu áp dụng).Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Tờ trình gửi Chính phủ, một trong những kết quả đáng ghi nhận của việc thực hiện Luật Thuế GTGT hiện hành trong những năm qua là tác động tích cực đến tình hình xuất khẩu, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua chính sách hoàn thuế.
Số liệu của cơ quan thuế cũng cho thấy, số tiền hoàn thuế GTGT tăng qua các năm, trong đó số tiền hoàn thuế bình quân giai đoạn 2013-2021 chiếm tới gần 1/3 (27,1%) tổng thu từ thuế GTGT. Kết quả này được đánh giá là đã giúp khuyến khích xuất khẩu, hạ giá bán của sản phẩm xuất khẩu tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ quốc tế hiện nay đang được áp dụng thuế GTGT đầu ra 0% đối với dịch vụ xuất khẩu nói chung, và đây là một phần quan trọng giúp doanh nghiệp áp dụng chính sách hoàn thuế GTGT.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng liên quan đến doanh nghiệp chế xuất và xuất khẩu hàng hóa đang hoạt động ổn định như hiện nay, đề xuất bãi bỏ chính sách thuế GTGT 0% cho dịch vụ xuất khẩu, bao gồm dịch vụ cung cấp ra nước ngoài và cung cấp cho khu phi thuế quan (trừ 3 nhóm dịch vụ đang được đề xuất giữ lại áp dụng thuế 0%) sẽ lập tức làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư cũng như các dự án đầu tư nước ngoài đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Ông Bùi Ngọc Tuấn nhận định, nền kinh tế Việt Nam, kể từ khi hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới gần 20 năm trở lại đây, luôn luôn lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều tăng trưởng qua các năm. Một trong những lý do giúp thúc đẩy xuất khẩu chính là nhờ các chính sách thuế của Việt Nam với tác động chủ yếu từ thuế GTGT 0% cho các hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
“Với những tác động có thể nhìn thấy rõ và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay đối với Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, tôi cho rằng cần có nhìn nhận thật sâu sắc về đề xuất của Chính phủ trong thời gian nghị sự của Quốc hội, từ đó cân nhắc đưa ra quyết định thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của cả Nhà nước, nền kinh tế và doanh nghiệp”, ông Bùi Ngọc Tuấn khuyến nghị.