Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh tại Phiên họp thứ ba Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra vào chiều 17/7.
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Tại Phiên họp, các thành viên đã thảo luận và cho ý kiến về: Kết quả hoạt động của Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2016-2021; Dự thảo Quy chế hoạt động; Chương trình nhiệm vụ trọng tâm toàn khóa và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; Quyết định về việc thành lập Cơ quan giúp việc Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thi hành Điều 68, 69 Hiến pháp 2013, trong nhiệm kỳ 2016-2021, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp chặt chẽ với các thành viên Hội đồng xây dựng, ban hành Quy chế tạm thời hoạt động của Hội đồng; xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ. Hội đồng cũng đã tổ chức 2 phiên họp trong các năm 2016, 2017.
Chủ tịch nước cho biết, Phiên họp lần thứ ba này mang tính tổng kết của nhiệm kỳ; đồng thời bàn thảo, thống nhất những nội dung quan trọng, tạo cơ sở cho hoạt động của Hội đồng trong nhiệm kỳ mới hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng cho biết, hiện nay bên cạnh những vấn đề truyền thống còn có các yếu tố an ninh phi truyền thống mà trong đó có đại dịch Covid-19 đang đe dọa đến sự an toàn của người dân. Do đó, đòi hỏi lực lượng vũ trang, nhất là quân đội, công an phải tập trung nguồn lực để ứng phó, nhất là cho phòng chống dịch Covid-19 và thiên tai.
Đối với các tỉnh, thành phía Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương ưu tiên mọi nguồn lực để tập trung bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, lo đủ vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm chủng cho người dân. Đồng thời không được để người dân gặp phải tình cảnh quá khó khăn.
Chủ tịch nước nhấn mạnh cả nước đang nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa vừa duy trì phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong lúc này, việc thực hiện “mục tiêu kép” phải linh hoạt, phù hợp, đúng thời điểm. Kinh nghiệm đã cho thấy, chỉ khi kiểm soát thành công dịch bệnh thì mới bảo đảm được an toàn sản xuất, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế./.