NAD cho rằng, tình trạng quá tải bệnh nhân, thiếu nhân sự và ngân sách hiện nay nếu không được giải quyết sớm, hiệu quả và chất lượng của dịch vụ chăm sóc y tế cho người dân sẽ bị ảnh hưởng. Phản hồi trước các phát hiện kiểm toán, Bộ Y tế Malaysia tỏ ra quan ngại rằng việc thiếu ngân sách đồng nghĩa với việc các bệnh viện không thể thay thế và mua mới các trang thiết bị y tế.
Theo Bộ Y tế Malaysia, từ năm 2016 đến năm 2018, Bộ này đã yêu cầu phân bổ 96,95 triệu Ringgit (23,2 triệu USD) cho một số hạng mục bệnh viện, song chỉ tiếp nhận được 20,32 triệu Ringgit (tương đương 21%) khoản ngân sách đề xuất. Vì thế, để khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị do không đủ ngân sách mua sắm, Bộ đã tiến hành thuê lại một số thiết bị chụp X-quang, phẫu thuật tổng quát, chỉnh hình, gây mê và chăm sóc tích cực. “Việc thuê lại này được xem là một dự án tiên phong và sẽ được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu trang thiết bị y tế tại các khoa khám, chữa bệnh trong vòng 5 năm tới, bắt đầu từ năm 2019” - đại diện Bộ Y tế cho biết.
Cuộc kiểm toán của NAD đã tiến hành xem xét, đánh giá tổng số 38 bệnh viện trên cả nước. Một trong số những vấn đề được NAD nhấn mạnh là tình trạng quá tải, ùn tắc trong các khâu khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện. Cụ thể, hiện nay, Malaysia có khoảng 140 bệnh viện (theo số liệu năm 2018). Trong năm 2018, những bệnh viện này đã tiếp nhận trên 8 triệu bệnh nhân vào điều trị tại các khoa cấp cứu và chấn thương, chỉnh hình.
Theo báo cáo, các khoa cấp cứu, chấn thương, chỉnh hình tại hầu hết các bệnh viện đều thiếu nhân sự trầm trọng từ 11,6 - 53,1%. Tại một số bệnh viện, nhân sự thiếu tới 75,6 - 79,5%. Điều này dẫn đến việc nhân sự phải làm việc quá nhiều thời gian khiến chất lượng dịch vụ giảm sút nghiêm trọng. Về trang thiết bị y tế, các khoa cấp cứu và chấn thương, chỉnh hình hiện chỉ có khoảng hơn 100 trên tổng số 212 (49%) danh mục trang thiết bị cần thiết. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân tại các khoa này năm nào cũng tăng từ 2 - 3%, dẫn tới tình trạng ùn ứ bệnh nhân tại hầu hết các bệnh viện trên toàn quốc.
Theo điều tra của NAD, bệnh nhân phải chờ trong khoảng thời gian dài trước khi được tiếp nhận khám, điều trị tại các khoa chấn thương, chỉnh hình. Chỉ có khoảng 58,7% bệnh nhân được tiếp nhận điều trị trong thời gian dưới 4 tiếng và nhiều bệnh nhân không được chấp nhận chuyển tuyến do quá tải. Một trong những nguyên nhân dẫn tới ùn ứ, theo NAD, là do không gian khám, chữa bệnh hạn chế, thiếu giường bệnh, thiếu y tá chăm sóc và các hệ thống công nghệ thông tin nghèo nàn, lạc hậu tại các bệnh viện. NAD cảnh báo tình trạng thiếu giường bệnh đang nằm trong vùng Vàng và Đỏ (vùng nguy hiểm). Nhiều bệnh viện giải quyết tình trạng này bằng cách bố trí các giường tạm và sofa di động.
NAD khuyến nghị: Bộ Y tế nước này cần tăng cường điều phối hoạt động giữa các bệnh viện cũng như các cơ sở khám, chữa bệnh công và tư, nhằm thúc đẩy dịch vụ tiền khám bệnh, cung cấp các dịch vụ chăm sóc chất lượng và toàn diện; đồng thời cần xem xét lại cơ chế, chính sách tối ưu hóa nguồn nhân lực để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự và giảm tải giờ làm. Ngoài ra, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để tìm ra một phương pháp toàn diện hơn nhằm giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị và thuê ngoài hiện nay, hướng tới mục tiêu tăng cường chất lượng dịch vụ và giảm gánh nặng cho ngân sách Chính phủ. Bên cạnh đó, NAD cũng khuyến nghị Bộ Y tế cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt trong quản lý dữ liệu và ra quyết định nhanh, nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu về cung cấp dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ cấp cứu và chấn thương, chỉnh hình.
NGỌC QUỲNH
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019