“Mê hồn trận” thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp

(BKTO) - Nhiều ý kiến cho rằng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hóa chất độc hại hiện nay như “mê hồn trận” bủa vây nền nông nghiệp, là “cơn nghiện” của một bộ phận nông dân, là điểm nghẽn lớn trong việc hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hội nhập quốc tế.




Phân bón, thuốc BVTV, hóa chất độc hại là điểm nghẽn lớn trong việc hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hội nhập quốc tế.Ảnh minh họa

Lượng phân bón tiêu thụquá lớn

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 100.000 - 120.000 tấn thuốc BVTV. Cùng với đó, có trên 20.000 loại phân bón khác nhau của hàng trăm DN trong nước sản xuất đưa ra thị trường. Số lượng thuốc BVTV được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp khá lớn, khoảng 100.000 tấn/năm. Trong vòng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, Việt Nam chi từ 500 - 700 triệu USD để nhập hóa chất, thuốc BVTV, trong số này, 48% là thuốc diệt cỏ, tương đương 19.000 tấn, còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh khoảng trên 16.000 tấn.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận), Cục BVTV là cơ quan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giao quản lý nhà nước về phân bón đã nỗ lực quản lý, đưa ra được bộ tiêu chuẩn phân bón, loại bỏ bớt các loại phân bón không đạt tiêu chuẩn. Thế nhưng, cùng với lượng phân bón nhập khẩu, trong nước hiện có trên 20.000 loại phân bón khác nhau do hơn 700 DN sản xuất đưa ra thị trường; đây là con số quá lớn, trong khi nhu cầu thực tế chỉ bằng khoảng 1/3. Vì vậy, Bộ NN&PTNT cần có ý kiến và đưa ra những giải pháp về vấn đề này - Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị. Đồng thời, ông Cương bày tỏ quan ngại khi mà ở Thái Lan, số lượng phân bón chuẩn hóa chỉ có trên 100 loại, nhưng ở Việt Nam có tới trên 20.000 loại.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp đã tăng lên. Ví dụ, năm 2016, toàn ngành nông nghiệp sử dụng trên 10 triệu tấn phân bón, trong đó chủ yếu là phân vô cơ, thì nay tỷ lệ phân hữu cơ đã đạt gần 4 triệu tấn. Hiện cả nước chỉ có 710 nhà máy sản xuất phân bón và không được tăng thêm để đảm bảo quản lý chất lượng. Về vấn đề thuốc BVTV, trước đây, Việt Nam nhập khẩu 120.000 tấn/năm thì đến năm 2019 chỉ còn nhập 75.000 tấn, trong đó 20% là thuốc sinh học. “Đây là cố gắng chung của chúng ta, trong đó 75.000 tấn nhập về có một phần đã được tái xuất bằng các sản phẩm chế biến và thu được 125 triệu USD. Như vậy, chúng ta đã rất cố gắng trong lĩnh vực này” - Bộ trưởng Cường khẳng định. Tuy nhiên, Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng thừa nhận: “Vẫn còn rất nhiều hạn chế trong quản lý lĩnh vực phân bón và thuốc BVTV. Tới đây, cần phải có chế tài chặt hơn, hướng dẫn tốt hơn để vận hành một nền nông nghiệp đúng hướng, dinh dưỡng cao và sạch để tăng cường xuất khẩu”.

Công tác kiểm tra, giám sátgặp nhiều khó khăn

Việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đặc biệt, nông sản Việt Nam đang bị đe dọa mất tính cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu do chất lượng kém, trong khi công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Cường (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất, chế tài đối với các hành vi của người sản xuất, buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc BVTV trái quy định chưa đủ sức răn đe. Ngược lại, một bộ phận người dân không được truyền thông đầy đủ tác hại của các loại hóa chất, thuốc BVTV nên đã lạm dụng gây tổn hại cho sức khỏe người tiêu dùng và cho chính bản thân mình. Thứ hai, danh mục chất cấm chưa được đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, có những hoạt chất bị cấm trong lĩnh vực này nhưng lại được phép sử dụng trong lĩnh vực khác, dẫn đến việc sử dụng tràn lan, khó kiểm soát và khó quản lý. Thứ ba, chưa mạnh dạn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc để liên thông dữ liệu từ người sản xuất đến tiêu dùng và đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước. Hơn nữa, chưa có quy định rõ ràng về truy xuất nguồn gốc đối với các nông sản lưu thông trên thị trường, nhất là thị trường nội địa.

Từ những nguyên nhân trên, Đại biểu Trần Văn Cường kiến nghị, cần có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực trong việc quy định về danh mục cũng như phương pháp quản lý và kiểm soát các hóa chất độc hại trên thị trường; tăng cường chế tài đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán và kinh doanh phân bón, thuốc BVTV; đẩy mạnh việc nghiên cứu các chế phẩm để thay thế dần các chất hóa học có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người. Đồng thời, thực hiện thí điểm việc áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và quản lý chặt chẽ chất lượng hàng nông sản đưa vào các thành phố lớn, nơi có sức tiêu thụ cao; ban hành những quy định, chế tài để bảo đảm thực thi trách nhiệm của cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phân bón và thuốc BVTV. “Việc thay đổi nhận thức của người dân ban đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không còn con đường nào khác là phải mạnh dạn giúp người dân thay đổi từ nhận thức để họ hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và đồng bào, giữ gìn cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên cho các thế hệ tương lai” - ông Trần Văn Cường nhấn mạnh.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
“Mê hồn trận” thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp