Mở rộng dân chủ phải gắn với kỷ luật, kỷ cương

(BKTO) - Về vấn đề dân chủ và kỷ luật, kỷ cương, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương”.

2(1).jpg
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến mối quan hệ giữa dân chủ với kỷ luật, kỷ cương. Ảnh: ST

Không phải chỉ hiện nay, trên thực tế lịch sử, vấn đề thực hiện mở rộng dân chủ phải gắn chặt với giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thực hiện từ rất sớm.

Năm 1930, trong Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Bất cứ về vấn đề nào đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành”. Tháng 10/1947, trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo”. Hồ Chí Minh cũng luôn chú trọng đến mối quan hệ giữa dân chủ với kỷ luật, kỷ cương. Người đưa ra quan điểm làm việc phải có bàn bạc dân chủ, nhưng dân chủ phải có tổ chức kỷ luật; kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật. Người cũng khẳng định rõ ràng muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có chuyên chính thật sự, phải có dân chủ thật sự.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề mở rộng dân chủ và giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Người luôn nhấn mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, coi đây là nguyên tắc cơ bản, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tổ chức xây dựng Đảng. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình), thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật”. Người yêu cầu Đảng phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến cá nhân của mình, nhưng Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung, có nghĩa là Đảng “có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”.

Hồ Chí Minh cũng phân tích rất cụ thể, rõ ràng mối quan hệ biện chứng, hữu cơ, mật thiết cùng phải được tiến hành đồng thời giữa tập trung với dân chủ: “Tập trung trên nền tảng dân chủ là các đảng viên có quyền thảo luận chính sách của Đảng, rồi tập trung ý kiến lên Trung ương, còn dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung là vì nếu cái gì không nên bàn cũng cứ bàn ắt hỏng, cái gì đã bàn rồi thì phải đưa lên. Khi bên trên ra lệnh thì bên dưới phải thi hành, phải tuân theo”. Người xác định cơ quan lãnh đạo của Đảng có uy tín, quyền lực chân chính và mọi đảng viên phải chấp hành phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng, tuân theo kỷ luật của Đảng. Năm 1953, trong Thường thức chính trị đăng trên Báo Cứu quốc, Hồ Chí Minh viết: “Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung. Ở trong Đảng, mọi đảng viên có quyền nêu ý kiến, đặt đề nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Nhưng quyết không được trái sự lãnh đạo tập trung của Đảng, trái nghị quyết và kỷ luật của Đảng. Quyết chống: Không xét thời gian, địa điểm, điều kiện mà nói lung tung; tự do hành động; dân chủ quá trớn”.

Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tư tưởng, quan điểm, việc làm về mở rộng dân chủ gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương được Đảng, Nhà nước và nhân dân quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đảng ta luôn xác định dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương cần được coi trọng và thực hiện trong Đảng, trong dân. Toàn Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, làm gương để hệ thống chính trị và nhân dân tin tưởng thực hiện tốt vấn đề dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhiều lần bàn về dân chủ và kỷ luật, kỷ cương. Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII của Đảng đề ra nhiều giải pháp quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, nhất là ở cơ sở, trong đó có nội dung: Lắng nghe và giải quyết nguyện vọng chính đáng của đảng viên, của nhân dân và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết trong Đảng.

Tổng Bí thư nêu rõ: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”. Tổng Bí thư cũng thẳng thắn nhắc nhở phải chú ý đến thực hiện dân chủ, gắn với kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong dân. Ngày 14/10/2023, khi tiếp xúc với cử tri TP. Hà Nội, Tổng Bí thư phát biểu: “Cứ cậy mình là cán bộ cấp trên đi xuống hạnh họe nhân dân là không được. Nhưng dân lại bảo dân làm chủ rồi nói tôi chẳng nghe thì cũng không được nên cần có luật pháp, Nhà nước phải có kỷ cương, dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Hiện nay, một nhiệm vụ quan trọng mà cán bộ, đảng viên và người dân cần cảnh giác, đấu tranh phòng, chống các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, thế lực xấu về vấn đề dân chủ, kỷ luật, kỷ cương. Các thế lực chống phá tuyên truyền rằng ở Việt Nam không có dân chủ và cũng không có kỷ cương. Chúng cho rằng: Người dân Việt Nam không có quyền dân chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam tự cho mình quyền nắm vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội, bất chấp hiến pháp và bất chấp luôn chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó, chúng kích động đòi dân chủ vô chính phủ, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ quan hệ Đảng với nhân dân, lợi dụng dân chủ làm rối loạn kỷ cương, phép nước, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vì vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống có hiệu quả sự phá hoại của các thế lực thù địch, thế lực xấu, đồng thời và quan trọng là cần tiếp tục chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thành công phương hướng, mục tiêu mà Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định: “Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”./.

Cùng chuyên mục
Mở rộng dân chủ phải gắn với kỷ luật, kỷ cương