Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: Cần những giải pháp khả thi

(BKTO) - Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, nhằm hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân.

bhxh23.jpg
Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Ảnh: ST

Thêm khoảng 3 triệu người có cơ hội tham gia BHXH

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Với quy định này, Chính phủ dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

Đánh giá cao việc bổ sung quy định này, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhằm hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân đã được đề ra trong các văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP. Hà Nội) phân tích, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, số người tham gia BHXH mới chiếm trên 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, còn trên 60% người lao động trong độ tuổi chưa tham gia BHXH, chủ yếu là nông dân trong khu vực phi chính thức, những người thu nhập thấp…

Trong các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, hiện nay, nước ta có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó có 2 triệu hộ thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Như vậy, còn khoảng 3 triệu hộ kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh, không tham gia BHXH, tương đương với ít nhất 3 triệu người ở độ tuổi lao động không tham gia BHXH.

“Tham gia BHXH là một giải pháp an sinh tốt, đặc biệt với đối tượng có thu nhập thấp, kinh doanh nhỏ lẻ, bấp bênh. Tôi kiến nghị đưa toàn bộ nhóm đối tượng là chủ hộ kinh doanh bao gồm cả phải đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh vào nhóm tham gia BHXH bắt buộc” - đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói.

Trong khi đó, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, thị trường lao động ở nước ta và xu hướng trên thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ tài chính, kinh tế chia sẻ công việc, từ đó xuất hiện nhóm người lao động mới (vừa là người lao động vừa là chủ sử dụng lao động, lao động công nghệ, lao động tự do hoạt động trên môi trường mạng Internet...). Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung các đối tượng này tham gia BHXH.

Đại biểu Phạm Phú Bình (Nghệ An) cũng nêu, đối với nhóm người lao động không trọn thời gian, làm việc theo chế độ linh hoạt, đối tượng này đang tăng lên rất nhiều như: ca sỹ, nhạc sỹ, youtuber, tiktoker… Họ đều có thu nhập rất cao, có nộp thuế thu nhập cá nhân. Do đó, trong Dự thảo Luật cần có quy định chặt chẽ để ràng buộc những đối tượng này đóng BHXH bắt buộc.

Cân nhắc quy định về mức đóng

Khẳng định việc bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết song các đại biểu cũng lưu ý, đây không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

thang23.jpg
Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng phát biểu góp ý về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị, cần nghiên cứu mức đóng cho phù hợp với khả năng thu nhập của từng đối tượng, cũng như chế độ hưởng phù hợp mức đóng và khả năng cân đối ngân sách của địa phương để đóng bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ quy định cho đơn vị sử dụng lao động.

Đánh giá Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cơ bản tương thích với Công ước số 102 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về an sinh xã hội, đại biểu Trần Thị Hồng An (Đoàn Quảng Ngãi) đề nghị, cân nhắc bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em và tăng cường các mức hưởng. Hiện nay, trợ cấp trẻ em là chế độ BHXH duy nhất mà nước ta chưa thực hiện nếu đối chiếu với Công ước 102.

Đại biểu nhấn mạnh, việc bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em có thể giúp người lao động giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh con và nuôi con nhỏ, giúp "giữ chân" họ ở lại hệ thống BHXH thay vì hưởng BHXH một lần. Điều này cũng có ý nghĩa đối với cơ quan BHXH, như giúp mở rộng đối tượng tham gia BHXH; tăng nguồn thu vào Quỹ BHXH trong ngắn hạn và trung hạn.

Góp ý vào Dự thảo Luật, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ ủng hộ việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như Dự thảo Luật nhằm đảm bảo phù hợp với quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc…

Tuy nhiên, làm thế nào để các đối tượng này tham gia BHXH một cách đầy đủ? Mặt khác, đã là bắt buộc thì phải có chế tài, kiểm soát và thực hiện xử phạt nghiêm minh đối với hành vi vi phạm. Vai trò, trách nhiệm của cơ quan BHXH đến đâu? Đây là những vấn đề cần xem xét, đánh giá kỹ, nhất là về tính khả thi của các giải pháp được đề xuất… nếu không, chính sách sẽ khó đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích bước đầu đối với các đối tượng mở rộng, để họ nhận thấy sự hấp dẫn của việc tham gia BHXH bắt buộc. Vì vậy, Dự thảo Luật cần xem xét, bổ sung các chính sách ưu đãi phù hợp đi kèm với chính sách BHXH bắt buộc đối với các đối tượng này.

Theo Chuyên gia pháp luật, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, có thể cân nhắc quy định mức đóng của các đối tượng này thấp hơn các đối tượng khác nhưng chế độ thì nên tính toán, thiết kế đầy đủ để tạo sự thành công của chính sách. Chính sách ưu đãi này cần được thực hiện trong một thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, cân nhắc thiết kế một chính sách BHXH bắt buộc linh hoạt đối với các đối tượng này theo nguyên tắc đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều; tức là đưa ra nhiều mức đóng tương ứng với các chế độ thụ hưởng khác nhau để họ lựa chọn tùy theo khả năng đóng…/.

Cùng chuyên mục
  • Cần thiết kế chính sách hỗ trợ người có lương hưu quá thấp
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bên lề Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương - đã trao đổi với báo chí một số vấn đề lớn của Dự thảo Luật đang được cử tri quan tâm.
  • Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ cho ý kiến thảo luận về 3 khâu đột phá
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chiều 22/11, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức gặp mặt báo chí để thông tin về Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì buổi gặp mặt.
  • Khai mạc "đại tiệc" Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tối 21/11, tại Quảng trường Lâm Viên, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, đã diễn ra Lễ Khai mạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lẵng hoa chúc mừng sự kiện.
  • Giá khám bệnh bảo hiểm y tế tăng khoảng 10%
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp đặc biệt.
  • Tuyên dương 200 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 19/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023, nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: Cần những giải pháp khả thi