Ảnh: bhxhtphcm.gov.vn
Trụ cột của an sinh xã hội
Chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của BHXH Việt Nam 25 năm qua, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, ngày 16/02/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP thành lập ngành BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở T.Ư và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động. Tiếp đó, ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển chức năng tổ chức thực hiện chính sách BHYT từ Bộ Y tế sang BHXH Việt Nam. Đây là quyết định quan trọng trong việc thống nhất tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở nước ta.
Với 25 năm xây dựng, nỗ lực phấn đấu và liên tục trưởng thành, BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Điều này thể hiện ở diện bao phủ BHXH không ngừng mở rộng. Nếu như năm 1995 chỉ có 2,2 triệu người tham gia thì đến hết năm 2019 là 15,185 triệu người (tăng khoảng 5,8 lần). Năm 2008, năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện, có 6.110 người tham gia thì đến hết năm 2019, con số này là 551.000 người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng tăng nhanh với 5,9 triệu người khi bắt đầu triển khai năm 2009 lên 13,343 triệu người năm 2019. Đặc biệt, số người và tỷ lệ tham gia BHYT trên tổng dân số tăng ấn tượng, vượt các chỉ tiêu được giao với trên 85,390 triệu người tham gia, tương ứng với tỷ lệ bao phủ 90% dân số. Như vậy, mỗi năm đã có thêm hàng trăm nghìn người lao động, hàng triệu người dân được bảo vệ thông qua các chế độ BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh, tạo sự an toàn, ổn định xã hội, tiến tới mục tiêu công bằng xã hội.
Cùng với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu BHXH, BHYT, BHTN cũng liên tục tăng theo thời gian. Năm 2018, tổng số thu toàn ngành đạt 332.006 tỷ đồng, tăng 11,26 lần so với năm 2006 và tăng 425,7 lần so với năm 1995.
Qua 25 năm hoạt động, ngành BHXH đã giải quyết cho trên 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH. Qua gần 10 năm thực hiện chế độ BHTN, đã có gần 5 triệu lượt người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, hơn 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm. Trong lĩnh vực BHYT, từ năm 2003-2018, ngành BHXH, ngành y tế đã phối hợp để đảm bảo quyền lợi cho trên 1.748,5 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, bình quân mỗi năm có trên 109 triệu lượt người thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Nhờ chính sách BHYT, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo đã có cơ hội được cứu sống; nhiều bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả lên đến hàng tỷ đồng.
Nâng tầm chất lượng, hiệu quả chính sách an sinh
Bên cạnh những thành tựu quan trọng được quốc tế và nhân dân ghi nhận, các chuyên gia nhìn nhận, chính sách an sinh xã hội (ASXH) còn không ít khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Đặc biệt, bối cảnh kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế cũng đang đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện chính sách ASXH như: tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, xu hướng rủi ro kinh tế, xã hội ngày càng đa dạng, diện ảnh hưởng rộng; xu hướng già hóa dân số tăng nhanh cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0; phân hóa xã hội và xu hướng di cư tự do ngày càng lớn. Để giải quyết những thách thức này đòi hỏi chúng ta phải tư duy trên tầm chiến lược về chính sách ASXH trong giai đoạn mới, trên cơ sở đó thúc đẩy quá trình thể chế hóa, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng nhu cầu của thực tiễn trên lĩnh vực này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, một hệ thống ASXH hiệu quả phải bảo đảm các yếu tố: phù hợp, đủ, công bằng (công bằng ngang: cung cấp chế độ như nhau cho các đối tượng có điều kiện như nhau; công bằng dọc: hỗ trợ nhiều nhất cho nhóm nghèo nhất, khó khăn nhất), chi phí hiệu quả, tương thích với động cơ (làm cho các hộ gia đình thay đổi thái độ theo hướng tích cực), bền vững và năng động.
Để đạt mục tiêu trên, trong thời gian tới, chính sách BHXH, BHYT, BHTN vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để tăng độ bao phủ an sinh cho người lao động, người dân. Đặc biệt, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách an sinh là thách thức và cũng là mục tiêu trọng tâm của việc hoạch định chính sách trong thời gian tới. Do đó, đòi hỏi cần tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn để vượt qua các khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu bảo đảm quyền ASXH của công dân. Đồng thời, phải đổi mới công tác quản lý BHXH, BHYT, BHTN theo hướng hiện đại hóa, trong đó phải ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình, thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN để DN, người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ này, giảm thời gian phải thực hiện các thủ tục, giao dịch của DN.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhận định, một hệ thống ASXH bền vững trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào công tác quản trị, phân tích, dự báo và quản trị rủi ro. Vì vậy, những thành tựu đạt được 25 năm qua sẽ là nền tảng vững chắc để BHXH Việt Nam tiếp tục nỗ lực vượt qua thách thức, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, góp phần tạo lưới đỡ ASXH bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau.
ĐĂNG KHOA